Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và Tổng thống Mỹ Joe Biden (ở giữa) tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ.
Hội nghị lần này là bước khởi đầu quan trọng để làm mới quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, vốn dĩ "lạnh nhạt" suốt 4 năm qua giữa Mỹ và EU. Đây cũng là Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ đầu tiên kể từ năm 2014 và là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới các tổ chức EU kể từ năm 2017.
Trong một ngày diễn ra hội nghị, các thảo luận đã tập trung vào những trụ cột chính: Ứng phó với dịch Covid-19 và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững; đối phó tình trạng Trái đất nóng lên; thúc đẩy tăng trưởng; tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ xuyên Đại Tây Dương; giải quyết các thách thức an ninh, chính sách đối ngoại toàn cầu và khu vực; tăng cường dân chủ và các quy tắc dựa trên trật tự đa phương. Với tinh thần xây dựng, các nhà lãnh đạo đã đạt được nhất trí tăng cường hợp tác trong hầu hết các vấn đề nêu ra.
Về thương mại, EU và Mỹ đồng ý “đình chiến” căng thẳng liên quan tới việc trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus, với biện pháp trước mắt là xóa bỏ thuế quan trong 5 năm tới. Hai bên chính thức thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC) nhằm điều phối các vấn đề công nghệ, trước mắt là giải quyết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp; thiết lập tiêu chuẩn cho Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ internet; tăng cường kiểm soát nội dung trực tuyến; thúc đẩy công nghệ xanh; bảo mật các hệ thống viễn thông quan trọng...
Trong ứng phó với đại dịch Covid-19, lãnh đạo hai bên khẳng định việc hợp tác toàn cầu là ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, nối lại hoạt động du lịch bằng việc công nhận chứng nhận tiêm phòng vắc xin của nhau, tiếp tục theo đuổi mục tiêu chung cung cấp 1 tỷ liều vắc xin cho các quốc gia nghèo, thúc đẩy quyền tiếp cận công bằng và giá cả phù hợp với các loại vắc xin an toàn và hiệu quả. Hai bên cũng quyết tâm đẩy mạnh hợp tác nhằm cải cách Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Về đối ngoại, Mỹ và EU cam kết xây dựng một thế giới dân chủ, hòa bình và an ninh, trong đó phản đối mạnh mẽ mọi âm mưu đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Mỹ và EU đã tái khẳng định tầm quan trọng then chốt của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hai bên cũng thể hiện quyết tâm phối hợp nhằm chống lại tình trạng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và đổi mới các nỗ lực kiểm soát vũ khí toàn cầu.
Có thể thấy, sự thể hiện của Mỹ và EU trong hội nghị lần này đã hướng đến việc hàn gắn bất đồng, đặc biệt là các tranh chấp thương mại. Đây là cơ sở quan trọng để hai bên lấy lại vị thế dẫn dắt toàn cầu, cùng đối phó với các thách thức chung. Là khu vực đại diện cho 780 triệu người và là mối quan hệ kinh tế lớn nhất trên thế giới với kim ngạch thương mại song phương đạt giá trị hơn 1.200 tỷ USD trong năm 2020, việc Mỹ và EU đạt đồng thuận cao tại hội nghị này được dư luận rất kỳ vọng.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thành công của Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ đã nối dài chuỗi kết quả tích cực trong việc đưa thế giới hướng tới giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết