Một số nước nới lỏng hạn chế nhập cảnh cho người đã tiêm vắc xin Covid-19

Tính đến 6h ngày 18-6, toàn thế giới có 178.165.169 ca mắc Covid-19, trong đó, 3.856.838 trường hợp đã tử vong và 162.671.251 bệnh nhân đã hồi phục.

Châu Mỹ

Ngày 17-6, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, đang đầu tư khoảng 3 tỷ USD từ kế hoạch giải cứu nước Mỹ để hướng tới chiến lược phát triển thuốc kháng Covid-19. Trong cuộc họp tại Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm nhận định, vắc xin rõ ràng là trọng tâm trong "kho vũ khí" chống Covid-19, song thuốc kháng vi rút có thể là một nguồn hỗ trợ quan trọng cho các loại vắc xin hiện có. 

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, 13 bang ở nước này đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 cho hơn một nửa số cư dân của mình. 

Châu Âu

Ngày 17-6, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu tuyên bố, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần sử dụng tất cả các loại vắc xin ngừa Covid-19 hiện có để chống lại đại dịch và hiện còn quá sớm để xác định đâu là loại vắc xin tốt nhất.

Cùng ngày, Chính phủ Đức thông báo, nước này sẽ mở cửa trở lại biên giới vào cuối tháng này cho người dân không thuộc EU đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo Bộ Nội vụ Đức, bắt đầu từ ngày 25-6, các công dân không thuộc EU có thể nhập cảnh Đức nhưng phải được tiêm chủng đầy đủ bằng loại vắc xin được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cấp phép. Trong những tuần gần đây, Đức đã chứng kiến sự giảm mạnh số ca mắc mới Covid-19. 

Ngày 17-6, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo, việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có thể sẽ là bắt buộc đối với các nhân viên y tế không muốn tiêm phòng, đặc biệt là người làm việc trong các nhà dưỡng lão. Theo quan chức y tế Pháp, việc tiêm chủng là cần thiết và mang tính đạo đức, bởi những người này thường xuyên tiếp xúc với người cao tuổi - nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm và đã chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại nước này trong năm ngoái.

Cùng ngày, Cơ quan Y tế Đan Mạch cho biết, sẽ đề nghị tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho lứa tuổi từ 12 đến 15 tuổi nhằm tăng khả năng miễn dịch trong dân số trước khi mùa đông tới. Giới chức y tế Đan Mạch cũng cho biết, ban đầu sẽ chỉ đề nghị tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cho nhóm đối tượng này, bởi đây là loại vắc xin duy nhất được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cấp phép sử dụng cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Hiện, gần 50% dân số Đan Mạch đã tiêm liều vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên và hơn 25% dân số đã tiêm đủ liều. 

Ngày 17-6, giới chức Bulgaria thông báo, nước này đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ. Hiện số ca mắc mới Covid-19 ở nước này đang có chiều hướng giảm dần. 

Châu Á

Ngày 17-6, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết, hơn 30% số trường hợp xét nghiệm trong tuần trước ở Afghanistan có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Các bệnh viện lớn ở nước này đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân mắc mới Covid-19 do tình trạng thiếu hụt giường bệnh và oxy y tế.

ICRC cũng cảnh báo, sự hạn chế trong tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 cùng tâm lý do dự khi tiêm chủng của người dân khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Hiện chỉ có 0,5% dân số Afghanistan được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19.

Kuwait thông báo sẽ cho phép người nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 nhập cảnh vào nước này từ ngày 1-8 tới. Những người này cần tiêm đủ liều 1 trong 4 loại vắc xin mà quốc gia vùng vịnh này đã phê duyệt, bao gồm vắc xin của các hãng: Pfizer/BioNTech, AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), Moderna (Mỹ) và Johnson & Johnson (Mỹ). Du khách cũng cần có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong vòng tối đa 72 giờ trước khi di chuyển tới Kuwait và phải trải qua một cuộc kiểm tra khác trong thời gian cách ly 7 ngày ở nước này. 

Ngày 17-6, Bộ Y tế Indonesia thông báo, nước này đã có thêm 12.624 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, đánh dấu số ca bệnh được ghi nhận trong ngày cao nhất kể từ ngày 30-1. Hiện dịch Covid-19 đã lây lan tại tất cả 34 tỉnh của Indonesia. 

Châu Phi

Ngày 17-6, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Matshidiso Moeti cho biết, số ca mắc Covid-19 đã tăng hơn 20% so với tuần trước tại 20 quốc gia châu Phi, trong đó, 5 quốc gia là Nam Phi, Tunisia, Zambia, Uganda và Namibia chiếm 76% số ca mắc mới. Trong khi đó, việc triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 vẫn diễn ra chậm khi chỉ có 0,79% dân số châu lục này được tiêm chủng đầy đủ. 

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong, một số nước châu Phi thậm chí chưa triển khai tiêm chủng vắc xin. Ngược lại, nhiều nước châu Phi đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng với tốc độ tương đối tốt lại sắp hết nguồn dự trữ vắc xin. 

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục