Trạm sạc Go là sản phẩm hợp tác giữa doanh nghiệp Singapore và Malaysia.
Theo The Straits Times, các thỏa thuận trên, được ký kết ngày 30-1-2023, mở đường cho hai nước cùng phát triển các công nghệ xe điện và các tiêu chuẩn liên quan, hạ tầng pháp lý và tiêu chuẩn cho xe tự hành, đặc biệt là triển khai chung và thống nhất các hệ thống trạm sạc.
Giới quan sát đánh giá đây là bước đi tất yếu, trong bối cảnh lâu nay lưu lượng phương tiện qua lại giữa hai quốc gia là rất lớn. Singapore và Malaysia cũng là những quốc gia Đông Nam Á có tốc độ phổ cập phương tiện điện hóa trên đường phố nhanh nhất hiện nay.
Việc đi lại giữa hai nước bằng xe điện ngày càng phổ biến, dù còn nhiều bất cập liên quan tới trạm sạc và dịch vụ khắc phục sự cố. Việc sớm có khung hợp tác về trạm sạc sẽ tránh tình trạng "loạn chuẩn", vốn là một trong những bất cập gây nhiều lo ngại cho các chủ xe điện.
Theo số liệu thống kê, xe điện sạc ngoài chiếm khoảng 11,7% số xe đăng ký lưu hành trong năm 2022 tại Singapore, với Tesla (Mỹ) và BYD (Trung Quốc) là những thương hiệu dẫn đầu về doanh số. Trong khi đó, doanh số xe điện tại Malaysia tăng tới 860% trong năm 2022. Chính phủ Malaysia đang triển khai hàng loạt biện pháp kích thích xe điện tăng trưởng, trong đó có áp dụng miễn phí cầu đường (tới ngày 31-12-2025), hướng đến mục tiêu 15% xe bán mới vào năm 2030 đều chạy bằng điện.
Một thuận lợi khác trong triển khai các thỏa thuận là việc Malaysia và Singapore lâu nay vẫn hợp tác chặt chẽ về năng lượng, và doanh nghiệp hai nước gần đầy tỏ ra quan tâm tới hạ tầng phục vụ phương tiện điện.
Mới nhất, City Energy của đảo quốc sư tử đã hợp tác với EV Connection của Malaysia để thiết lập hạ tầng sạc xuyên biên giới có tên Go, nhằm tạo thuận lợi cho lái xe di chuyển giữa hai nước. Quan hệ hợp tác của doanh nghiệp hai nước cũng cho phép người sử dụng Go có thể tìm kiếm trạm sạc, quản lý quy trình sạc… thông qua ứng dụng điện thoại di động, dù họ đang ở phía nào của biên giới.
Xe điện nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng cả hai quốc gia Đông Nam Á.
Ngoài phương tiện xanh, các thỏa thuận nêu trên cũng sẽ cho phép Malasyia và Singapore cùng nhau phát triển các tiêu chuẩn công nghệ mới liên quan đến năng lượng tái tạo, đồng thời khảo sát tiềm năng các dự án về các giải pháp carbon thấp.
Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia, đây là thỏa thuận kinh tế xanh đầu tiên của Malaysia ký kết với một quốc gia khác.
Liên quan tới kinh tế kỹ thuật số, khuôn khổ hợp tác song phương bao gồm các lĩnh vực như tạo thuận lợi thương mại, luồng dữ liệu xuyên biên giới và thanh toán điện tử. Bên cạnh hai thỏa thuận khung, hai nước cũng đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) cho phép hợp tác trong các vấn đề như bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như an ninh mạng.
Gửi phản hồi
In bài viết