Sau những hành trình du xuân sôi động và lý thú, đã tới lúc những chiếc ô tô cần được chăm sóc đúng cách để luôn vận hành bền bỉ, đáng tin cậy sau đó.
Xu hướng tự cầm lái xe riêng trong hành trình du xuân ngày càng trở nên phổ biến.
1. Kiểm tra bên ngoài xe
Di chuyển ở tốc độ cao thường xuyên trên các cung đường quốc lộ có thể dẫn tới đá văng gây hỏng hóc nhiều thành phần của xe, mà quan trọng hơn cả là kính lái và đèn pha. Nếu điều này xảy ra, việc khắc phục tức thời là cần thiết. Bởi lẽ, trên bề mặt kính lái và đèn pha, một vết nứt nhỏ có thể nhanh chóng trở thành vết vỡ lớn sau một thời gian ngắn do các rung lắc khi xe di chuyển.
Bên cạnh đó, các khe hở có thể khiến nước, sâu bọ… đột nhập vào đèn hoặc khoang lái, dẫn tới những rủi ro khó lường khác. Ở bước này, người dùng có thể tranh thủ kiểm tra cả còi xe và các đèn tín hiệu để thay thế nếu phát hiện hỏng hóc.
Một viên đá nhỏ có thể làm nứt kính lái, dẫn tới những hậu quả khôn lường về an toàn.
2. Kiểm tra lốp và cân bằng hệ thống lái
Khác với hành trình trong phố, những chuyến đi dài có thể làm mòn lốp xe nhanh chóng. Do đó, cần kiểm tra lốp để đảm bảo độ sâu các hoa lốp còn tốt, áp suất hơi đồng đều và đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Ngoài ra, lốp cũng không được có các vết nứt, vỡ, bám đinh… Tối ưu nhất, người dùng nên tiến hành đảo lốp và cân bằng động lại các bánh xe tại các dịch vụ có sử dụng máy căn đo chuyên dụng, như Hunter.
Việc này không chỉ đảm bảo lốp xe ở tình trạng tốt nhất, mà còn đảm bảo cơ cấu lái, các trục khớp… vận hành tối ưu trong những chuyến đi sau đó.
Nếu từng lội cát, suối, leo trèo đá cứng trong hành trình, việc kiểm tra toàn diện và kỹ lưỡng lốp, hệ thống lái là rất quan trọng.
3. Thay dầu động cơ
Một chuyến đi dài ngày có thể khiến động cơ xe chịu tải lớn và dầu máy xuống cấp nhanh hơn đáng kể. Hãy kiểm tra số ki lô mét trên công tơ mét để xem việc thay dầu đã cần thiết hay chưa. Mặc dù, các nhà sản xuất thường khuyến nghị thay dầu ở 8.000 - 10.000km, nhưng với các xe chạy nhiều trên địa hình xấu hoặc tải nặng khiến vòng tua máy thường xuyên ở mức cao (như kéo theo rơ moóc, chở lều, chở đủ tải hành khách…) thay dầu sớm (khoảng 5.000km) sẽ góp phần đảm bảo độ bền cho động cơ.
Ngoài dầu máy, việc kiểm tra các chất lỏng cơ bản trên xe như dung dịch ắc quy và dầu trợ lực (nếu có), nước rửa kính, nước làm mát… là điều bất cứ chủ xe nào cũng có thể tự làm.
Thay dầu máy sau chuyến đi dài rất có lợi cho tuổi thọ động cơ xe.
4. Kiểm tra phanh và lọc gió
Nếu sau chuyến đi, phanh phát ra tiếng động lạ, hoặc nảy sinh nhiều hiện tượng bất thường khác, ví dụ như phanh khiến vô lăng rung, hành trình phanh bị kéo dài…, cần ngay lập tức mang xe tới các trung tâm kỹ thuật để kiểm tra. Nếu đĩa phanh hoặc má phanh bị mòn, nên thay thế tức thời.
Cùng với đó, hãy kiểm tra lọc gió động cơ và lọc gió điều hòa của xe. Nếu cung đường đi chơi xuyên qua các chặng nhiều bụi bặm, hai thành phần này rất dễ bị tắc gây ảnh hưởng tới hiệu suất vận hành của xe cũng như những trải nghiệm bên trong khoang lái.
5. Tổng vệ sinh trong ngoài xe
Những chuyến đi xa thường gắn liền với các bữa ăn, uống trên xe, nên việc làm rơi chút đồ ăn hay sữa là khó tránh, nhất là với những gia đình có trẻ nhỏ. Thậm chí, những chuyến đi mang tính khám phá sẽ dễ dàng phủ đầy nội thất một lớp bụi bặm, bùn đất. Các chất bẩn nếu để lâu ngày sẽ gây mùi khó chịu trong khoang lái, ảnh hưởng tới sức khỏe hành khách.
Vệ sinh nội thất kỹ lưỡng sau chuyến đi giúp hạn chế nấm mốc và mùi khó chịu trong quá trình sử dụng xe sau đó.
Cách vệ sinh đơn giản nhất là sử dụng dịch vụ trọn gói bên ngoài ở những địa chỉ có uy tín. Một số thao tác đơn giản cũng có thể làm tại nhà như: Tháo lót sàn xịt rửa, hút bụi, dọn dẹp và lau chùi các chi tiết nội thất. Nếu có thể, hãy gỡ thảm sàn và ghế của xe và phơi ra ngoài trong nhiều giờ để ngăn ngừa nấm mốc phát triển. Có thể sử dụng thêm dung dịch tẩy rửa, nhưng nhớ tham khảo kỹ công dụng và thành phần, tránh làm hỏng các chi tiết nội thất mong manh.
6. Kiểm tra tổng thể bằng máy tính
Hầu hết các mẫu xe hiện đại đều hỗ trợ kiểm tra nhanh tình trạng thông qua giao tiếp OBD-II với adapter và điện thoại thông minh hoặc máy tính, qua đó, phát hiện lỗi liên quan tới động cơ và các thành phần điện tử.
Nếu không đủ tự tin để tự tay thực hiện quy trình này, bạn luôn có thể yêu cầu bất cứ gara xe nào làm giúp (thường là miễn phí).
7. Bổ sung các vật dụng cần thiết trên xe
Bước cuối cùng, nhưng cũng rất cần thiết chính là việc bổ sung những món tiêu hao đã dùng trong chuyến đi, ví dụ như sáp thơm, nước uống, khăn giấy, đèn pin, lốp dự phòng/bộ vá lốp khẩn cấp…
Gửi phản hồi
In bài viết