1 cân thịt lợn đổi 1 cây mận giống
Anh Phùng Thừa Tiến, thôn Nà Lạ tuy đã ngoài 50 tuổi nhưng dáng vóc vẫn phăm phăm như thanh niên. Anh tự hào là người đầu tiên trồng cây mận quy mô lớn từ những thập niên 90 của thế kỷ trước.
Anh Tiến kể, năm 1994, cậu ruột của anh là ông Phùng Duy Phấu, trong một lần đi công tác tại huyện Bắc Hà (Lào Cai), ông ấn tượng giống mận tam hoa được trồng trên vùng đồi đất dốc cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Phấu đã mua về 10 gốc cây con chiết để trồng thử tại gia đình. Đến năm 1998, cây mận bói lứa quả đầu tiên cho chất lượng ngon, giòn và rất năng suất. Nhận thấy tiềm năng phát triển từ giống mận quý, anh Tiến tự học cách chiết ghép cây mận và tự tìm nơi bán cây giống uy tín để mua về trồng.
Trên diện tích 1,5 ha đất đồi trồng ngô kém hiệu quả, sức thanh niên 20 tuổi anh tự cải tạo, trồng 70 gốc mận trước sự ngưỡng mộ của nhiều người. Ngoài vài cây giống chiết thành công từ cây mận của ông Phấu, anh Tiến mua thêm hơn 50 cây giống với giá 20.000 đ/cây từ các vườn ươm uy tín, người dân họ trêu, 50 cây mận giống bằng giá 50 cân thịt lợn lúc bấy giờ.
Anh Phùng Thừa Tiến, thôn Nà Lạ, xã Ssơn Phú (Na Hang).
Khi mới trồng, khó khăn nhất là sâu đục thân, loài sâu này tập tính khó đoán, chỉ bò vào cắn thân cây lúc trời tối, nhiều đêm mày mò, anh Tiến nghĩ ra cách bôi thuốc quanh gốc cây, khi sâu bò lên sẽ tự nhiễm độc và chết. Rồi những ngày cây mận ra quả, gặp loài bướm châm quả, anh phải tự bắt, bẫy bằng tay, có hôm khi dời vườn cũng là lúc trời tờ mờ sáng.
Năm 2001, vườn mận của gia đình anh Tiến cho thu lứa quả đầu tiên được hơn 1 tấn quả và thu được 10 triệu đồng. Số tiền đó mua được 1 chiếc xe máy đời mới với đầy sự hãnh diện, thấy anh làm được và thành công, người dân thôn Nà Lạ rộ lên phong trào trồng mận tam hoa trên đất dốc.
Nhớ lại những năm 2004, 2005 nơi đây trở thành thủ phủ của cây mận, mỗi năm bán ra thị trường gần 20 tấn quả. Cùng với đó, lúc này có nhà máy thủy điện Tuyên Quang đang xây dựng tại địa bàn thị trấn Na Hang, nên đầu ra vô cùng ổn định, tuy giá bán chỉ 3.000 đồng/kg, nhưng so với trồng ngô, cây mận cho thu nhập cao hơn nhiều.
Năm 2010, cây mận bắt đầu vào thời kỳ bị cỗi, lúc này cũng là thời điểm Na Hang dần vắng bóng công nhân xây dựng, đầu ra thu hẹp dần, người dân bắt đầu chán nản và phá bỏ diện tích mận để quay lại trồng ngô, cũng vì thế cây mận dần mai một.
Nhấp một ngụm nước chè Phia Chang đặc sánh, anh Tiến nói, năm 2014, với suy nghĩ làm nông nghiệp không thể làm theo phong trào, lúc tất cả người dân phá bỏ cây mận, thì anh Tiến lại âm thầm cải tạo diện tích và trồng mới 100 cây mận. Vì vậy, lúc này trong mắt nhiều người anh trở thành “gàn dở”. Mãi đến năm 2019, mọi người mới nhìn cách anh làm với suy nghĩ khác khi cây mận được mùa, được giá với hơn 20.000 đ/kg. Đồng thời duy trì ổn định theo từng năm, trung bình mỗi năm vườn mận cho thu khoảng 30 triệu đồng.
Cây mận “bén duyên” với du lịch
Toàn xã Sơn Phú hiện chỉ còn thôn Nà Lạ vẫn duy trì trồng cây mận tam hoa, với khoảng 5 ha diện tích và vài hộ trồng. Năng suất mỗi năm đạt khoảng 4 tấn, giá thị trường ổn định thu mua tại vườn đạt 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Đồng chí Hà Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, toàn xã Sơn Phú hiện có thôn Nà Lạ vẫn duy trì vài hộ kiên trì gắn bó với cây mận tam hoa, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, cây mận không chỉ cho thu hoạch quả, mà đang trở thành điểm nhấn về du lịch mỗi khi mùa hoa về thu hút đông du khách trong và ngoài nước.
Thương lái đến tận vườn thu mua mận tam hoa.
Những ngày đầu tháng 6, “vườn mận Nà Lạ” của gia đình anh Phùng Thừa Tiến tuy đã dần vãn quả nhưng vẫn rất đông du khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm hái mận. Anh Tiến bảo, mùa hoa cho khách trải nghiệm chụp ảnh, mùa quả thì trải nghiệm hái quả, trông đơn giản nhưng cũng cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Anh bật mí, khoảng 3 năm gần đây, anh chưa phải mang mận đi bán bao giờ, bởi đầu ra đều ổn định, được thương lái, người dân thu mua ngay tại vườn.
Anh nông dân Phùng Sành Siệu, thôn Nà Lạ, hiện có vườn mận diện tích đứng thứ 2 tại xã với gần 100 cây mận. Anh Siệu kể, ban đầu chỉ nghĩ trồng mận gối cùng với cây vải để tăng năng suất và đỡ bị trống đất tại nơi bạc màu, nên anh cũng chỉ trồng vài chục cây từ năm 2014.
Nhưng đến năm 2020, cây mận bắt đầu được nhiều thương lái chú ý đến, vì thế vườn mận của gia đình anh cũng tăng lên theo số lượng. Anh Siệu nhẩm tính, vụ mận năm nay, tuy không được mùa nhưng dự kiến cũng thu về 1,5 tấn mận, trừ chi phí cũng lãi khoảng 20 triệu đồng, chưa kể 60 gốc vải năm nay cũng bắt đầu có quả bói, số tiền tuy không lớn nhưng bớt đi phần nào chi phí khi chăm sóc cây vải thiều của gia đình.
Đất tự nhiên tại xã Sơn Phú có đặc điểm là độ dốc nhưng độ ẩm lại ở mức lý tưởng, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đang tất bật chăm sóc thúc lại vườn mận cơm đã thu hoạch xong từ đầu tháng 4, anh Bàn Hữu San, thôn Nà Lạ nói, anh tự hào vì là lớp người vẫn giữ được cây mận từ giai đoạn đầu. Thấy được tiềm năng phát triển cây mận, khi cây mận già cỗi, ngoài việc đốn tỉa những cây không có khả năng phát triển, anh cũng chọn trồng thêm giống mận cơm Sơn La. Giống mận này tuy nhỏ nhưng năng suất cao, ra quả đầu vụ nên bán luôn được giá. Anh San cho biết, vườn mận chăm sóc nhàn mà mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng trên 40 triệu đồng, với loài cây phụ thì đó là thu nhập lý tưởng.
Chúng tôi quan sát thấy trên các vườn mận thấp thoáng các tổ ong mật, anh Phùng Thừa Tiến bảo, dưới tán mận rất phù hợp nuôi ong, ong tận dụng bóng mát của mận, ong giúp cây xử lý phần nào các côn trùng gây hại, đặc biệt lấy phấn hoa, đậu quả. Mới đây, anh Tiến được đi tham quan các mô hình trồng cây mận hậu ở Sơn La cho năng suất cao và giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg tại vườn. Anh dự tính cuối năm sẽ đưa thử cây mận hậu lên trồng thử, nếu thành công chắc chắn tương lai Nà Lạ sẽ có thêm giống mận mới để sớm có thêm sản phẩm đặc sản trong tương lai gần.
Gửi phản hồi
In bài viết