Những việc đầu tiên...
Trước khi được bầu làm Bí thư Chi bộ, ông Tá đã làm Trưởng thôn từ năm 1996 đến năm 2016. Từng là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất ở Hồng Thái, đến nay Pác Khoang đã không còn hộ nghèo. Có được kết quả ấy, người làm cán bộ thôn như ông Tá luôn trăn trở làm thế nào để người dân mình thoát nghèo. Làm Bí thư Chi bộ, ông Tá được nắm bắt các chủ trương, chính sách của cấp trên, được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật.
Trong một lần được học lớp kỹ thuật về trồng chè Shan tuyết, ông Tá mừng lắm vì sau khi được học, ông Tá biết đây chính là cây có thể mang lại thu nhập cho người dân Pác Khoang. Vậy là ông vận động được 4 hộ trong thôn cùng đăng ký với cán bộ xã để nhận giống chè Shan tuyết về trồng trên đất đồi. Ban đầu ông trồng 2 ha, do mới trồng nên còn lúng túng, có lúc chè bị sâu bệnh, ông mất ăn mất ngủ, chỉ mong trời sáng để lặn lội lên xã đón cán bộ khuyến nông xuống thôn hướng dẫn lại kỹ thuật cho ông. Ông bảo: “Mình mà thất bại thì bà con không làm theo mình nữa”.
Bí thư Chi bộ Triệu Văn Tá hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hái chè Shan tuyết.
Sau khi nắm chắc kỹ thuật đốn tỉa, chăm sóc chè Shan tuyết, chỉ vài năm sau, diện tích chè gia đình ông đã cho thu hoạch chè búp tươi. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu lãi 50 triệu đồng từ bán chè búp tươi cho Hợp tác xã Sơn Trà. Thấy gia đình mình trồng chè có thêm tiền trang trải cuộc sống, ông Tá tiếp tục vận động thêm 8 hộ nữa cùng trồng chè.
Không chỉ dừng lại ở việc vận động Nhân dân trồng chè Shan tuyết thay cho cây ngô, ông Tá luôn đau đáu nghĩ cách để Pác Khoang không còn hộ nghèo. Bởi vậy, khi trong vườn có vài chục gốc lê năm nào cũng sai trĩu quả, gia đình ông Tá nghĩ đến việc mang bán cho khách du lịch. Ông Tá bảo, trung bình một cây lê cho thu hoạch 3 tạ quả/năm. Lê đẹp được bán với giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg. Thấy có thu nhập, ông lên xã đề nghị mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật trồng lê cho tất cả các hộ trong thôn. Sau các lớp tập huấn này, người dân ở Pác Khoang được huyện hỗ trợ giống lê và chuyển giao kỹ thuật trồng lê. Ông Tá là hộ đầu tiên đăng ký thực hiện trồng 100 gốc và vận động 17 hộ khác đăng ký thực hiện. Đến nay, mỗi hộ có bình quân từ 30 gốc lê trở lên. Cách đây 2 năm, ông Tá cũng đi đầu trong trồng giống mận tam hoa và hồng không hạt. Năm nay, gia đình ông đã cho thu mận tam hoa. Năm đầu tiên cho thu hoạch, ước tính mỗi gốc mận tam hoa cũng cho thu 50 kg quả, giá bán được thu mua tại vườn là 15.000 đồng/kg. Ông Tá đã vận động được 6 hộ trồng mận tam hoa.
Bí thư Chi bộ Triệu Văn Tá (bên trái) hướng dẫn Nhân dân cách khai thác kỹ thuật trồng lê trên Internet.
Anh Bàn Văn Lành, người dân thôn Pác Khoang nói với chúng tôi tràn đầy hy vọng: “Gia đình mình được Bí thư Chi bộ Triệu Văn Tá hướng dẫn trồng lê, mình đã trồng 60 gốc lê 5 năm rồi. Mình cũng vừa được Nhà nước hỗ trợ giống để trồng 40 gốc hồng không hạt. Sang năm gia đình mình được thu hoạch lê, chắc chắn sẽ có thêm thu nhập”.
Làng xuất khẩu lao động
Đến Pác Khoang, nhiều hộ đã có nhà xây khang trang như nhà xây ở phố. Bí thư Chi bộ Triệu Văn Tá bảo, cả thôn hiện có 26 người đang đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Đài Loan, ngoài ra còn có 19 lao động đang đi làm việc tại các công ty trong nước. Cách đây 5 năm, nắm bắt được chủ trương hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động, con dâu ông Tá là chị Triệu Thị Hòa đã làm thủ tục xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Mỗi năm, trừ chi phí, chị Hòa cũng gửi về cho gia đình được gần 50 triệu đồng. Từ thực tế của gia đình mình, ông Tá nhận thấy xuất khẩu lao động theo quy định của Nhà nước là con đường làm giàu nhanh nên mỗi khi ở cấp trên triển khai các đợt đăng ký đi xuất khẩu lao động, nắm bắt được, ông Tá đã triển khai ngay đến Nhân dân và tuyên truyền đến các hộ có con em trong độ tuổi lao động đủ điều kiện xuất khẩu làm hồ sơ thủ tục.
Bởi vậy, từ mấy năm trở lại đây, Pác Khoang chẳng mấy chốc trở thành làng xuất khẩu. Nhiều hộ có con em đi xuất khẩu lao động gửi tiền về cho gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư phát triển kinh tế.
Ở Pác Khoang đã có nhiều nhà xây cao tầng nhờ nguồn tiền từ xuất khẩu lao động.
Gia đình chị Triệu Thị Chiêu có hai người con trai đều đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, trong đó một người đã hết hợp đồng lao động và về nước, còn một người con đang ở bên Nhật. Chị Chiêu cho biết: “Mình nắm được thông tin Nhà nước cho xuất khẩu lao động qua Bí thư Chi bộ Triệu Văn Tá nên mình đã làm hồ sơ để cho các con đi xuất khẩu lao động. Con trai mình hiện đang làm việc ở một công ty nội thất, mỗi tháng tiết kiệm chi tiêu cũng gửi về cho gia đình từ 30 đến 40 triệu đồng. Từ khi có con đi xuất khẩu lao động gửi tiền về, gia đình mình cũng đỡ vất vả hơn”.
Con trai anh Bàn Văn Lành là Bàn Chí Kiên cũng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan từ năm 2022, làm việc tại một công ty may mặc, mỗi tháng, con trai anh Lành cũng gửi về cho gia đình từ 10 đến 15 triệu đồng. Nhờ số tiền này, anh Lành có vốn để chăm sóc cho đồi lê và hồng không hạt, chỉnh trang nhà cửa.
Nói về Bí thư Chi bộ Triệu Văn Tá, đồng chí Trần Đức Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái khẳng định: “Bí thư Chi bộ Triệu Văn Tá thực sự là tấm gương đi đầu, có nhiều đóng góp để Pác Khoang đổi thay như ngày hôm nay. Bí thư Chi bộ Triệu Văn Tá còn là người đi đầu hiến đất ở, đất vườn để mở tuyến đường từ Pác Khoang lên Khuổi Phầy”.
Pác Khoang bây giờ đã có đường mới, nhiều ngôi nhà mới với đồi chè Shan tuyết, với những vườn lê sai trĩu quả, đồi mận tam hoa, hồng không hạt hứa hẹn mùa thu hái. Bức tranh vùng cao ở Pác Khoang đang thực sự khoác lên mình màu no ấm nhờ tinh thần, trách nhiệm trước Nhân dân của Bí thư Chi bộ Triệu Văn Tá.
Gửi phản hồi
In bài viết