Trung thu trên miền đất khó
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Na Hang, toàn huyện hiện có 6.153 trẻ em yếu thế, chiếm 48% so với tổng số trẻ em toàn huyện. Trong đó, có 5.431 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo; 143 trẻ em mồ côi, 349 trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ đi làm ăn xa; 230 trẻ khuyết tật. Để đem lại cho trẻ em yếu thế có một Tết Trung thu ý nghĩa, các cấp, ngành của huyện đã làm tốt công tác xã hội hóa. Tiêu biểu là hoạt động phối hợp giữa UBND huyện với Chương trình vùng Na Hang tặng quà cho toàn bộ trẻ em 5 xã dự án.
Năm nay, Chương trình vùng Na Hang đã chuyển tặng bánh kẹo cho trên 5.000 trẻ em liên hoan Trung thu tại 5 xã: Đà Vị, Yên Hoa, Sơn Phú, Năng Khả, Thanh Tương trị giá 110 triệu đồng. Đó là những món quà nhỏ có giá trị tinh thần giúp trẻ em yếu thế tự tin hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện phối hợp với các trường học trên địa bàn để chuẩn bị tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em tại các trường học trên địa bàn, tổng trị giá các phần quà trên 80 triệu đồng.
Thôn Nà Chẻ, xã Yên Hoa (Na Hang) cách trung tâm xã 12 km, đường sá đi lại khó khăn. Thôn có trên 40 trẻ em, đa phần trong đó là trẻ em yếu thế vì thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trưởng thôn Phùng Văn Nghính bày tỏ, có lẽ sau Tết Nguyên đán, Tết Trung thu là vui nhất với trẻ em. Bởi vậy, thôn cố gắng tốt nhất có thể để các em có một Tết Trung thu ý nghĩa nhất. Trung thu năm nay, Chương trình vùng Na Hang thuộc tổ chức Tầm nhìn thế giới chuyển quà đến trụ sở UBND xã. Quà là bánh kẹo cho 100% trẻ trong thôn, tặng thêm đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Thôn phân công 4 người đi chở quà về điểm trường thôn. Nơi đây thiếu thốn nhiều nên có bánh, kẹo, được phá cỗ, là lũ trẻ vui đùa hớn hở. Mình là người lớn còn vui lây” - anh Nghính bảo.
Liên đội trường THCS Năng Khả ( Na Hang) tặng quà Trung thu cho em Phùng Thị Duyên, lớp 8 mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Phát huy vai trò chăm sóc và bảo vệ trẻ em, dịp Tết Trung thu này, nhiều tổ chức Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh tổ chức tặng quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xuất phát từ 7 giờ sáng nhưng phải đến 10 giờ, Đoàn Thanh niên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn, Chi đoàn Cục Thống kê tỉnh mới đặt chân được tới điểm trường Khau Luông, Khau Làng, trường Mầm non Kiến Thiết (Yên Sơn) vì đường vốn đã khó càng khó hơn sau những ngày mưa. Nơi đây có trên 40 em chủ yếu là dân tộc Mông, Nùng. Không chỉ có trẻ em mà các thầy cô giáo, phụ huynh háo hức, chờ đón đoàn từ rất sớm. Món quà Trung thu là kẹo, bánh nhưng thật vui vầy, ấm áp.
Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau
“Mẹ ơi! Con vui lắm!” - Ánh mắt, nụ cười của cô bé Bàn Ánh Hằng, 7 tuổi, bệnh nhân mắc bệnh máu huyết tán bẩm sinh đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh rạng rỡ sau khi nhận được quà của UBND tỉnh và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vào chiều ngày 19-9. Chị Nguyễn Thị Phượng, mẹ của Ánh Hằng xúc động, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của thôn Tân Lập, xã Thái Hòa (Hàm Yên). Chị và con gái coi bệnh viện là ngôi nhà thứ 2 suốt 7 năm qua. Đây là lần thứ 2, con gái chị được nhận quà đúng dịp Trung thu. Nhìn con bé vui vẻ nói cười khi được nhận quà, chị rất hạnh phúc. “Gia đình tôi xin trân trọng cảm ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm đã dành 1 phần quà cho con bé và những đứa trẻ không may bị mắc bệnh hiểm nghèo như con tôi” - chị Phượng bày tỏ.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, bé Bàn Ánh Hằng là 1 trong số 103 trẻ có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được nhận quà Tết Trung thu từ UBND tỉnh và Trung tâm, tổng trị giá phần quà trên 82 triệu đồng.
Nghe cô giáo thông báo, sau buổi học, nhà trường cùng với thôn bản tổ chức Tết Trung thu, cô bé Chúc Mùi Pham, lớp 5, điểm trường Nà Chẻ, trường Tiểu học Yên Hoa háo hức lắm. Pham thuộc diện học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của nhà trường. Bố mẹ Pham ly hôn, Pham ở với bố, bố Pham làm ruộng, sức khỏe yếu nên cuộc sống rất khó khăn. Có lần, Pham nghỉ học cả tuần liền. Các thầy cô giáo lại đến nhà tìm em, vận động em đến lớp. Cầm trên tay món quà, khuôn mặt cô học trò nhỏ bé rạng rỡ: “Em vui lắm! Món quà là sự quan tâm của mọi người dành cho em. Em sẽ không nghỉ học nữa. Em sẽ vượt khó để đến trường học cái chữ”.
Năm nay, do dịch Covid-19, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh chỉ đạo tổ chức Tết Trung thu an toàn, tiết kiệm gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Một Tết Trung thu đặc biệt vì không có chị Hằng, chú Cuội, múa Lân, không có tập trung phá cỗ, rước đèn… nhưng vẫn sẽ là Tết Trung thu ấm áp, hạnh phúc với những trẻ em yếu thế trên địa bàn tỉnh. Bởi các em vẫn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các cấp, các ngành, để biết mình không bị bỏ lại phía sau. Đó là nguồn động lực để các em vượt lên nghịch cảnh, nỗ lực học tập tốt hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết