Mất 1,6 tỷ đồng vì “làm nhiệm vụ online”

Dù truyền thông nhiều lần cảnh báo về các hình thức lừa đảo mời chào làm việc qua mạng kiểu “việc nhẹ, lương cao”, rồi “làm nhiệm vụ online”, nhưng vẫn tiếp tục có người dân “nhẹ dạ, cả tin” bị lừa đảo với số tiền lớn…

Thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngày 19-9 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận đơn của một người dân trú phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành trình báo việc bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt trên 1,6 tỷ đồng.

Theo đó, nạn nhân bị một tài khoản mạng xã hội giả mạo dẫn dụ tải ứng dụng Telegram để tham gia xem phim online và bình chọn được trả phí. Đối tượng gửi một đường link và hướng dẫn nạn nhân đăng nhập tài khoản, truy cập vào một trang web để xem phim và làm nhiệm vụ.

Sau mỗi nhiệm vụ hoàn thành, thì nhận được 170.000 đồng chuyển vào tài khoản. Ngược lại, để tích điểm nhận tiền hoàn thành nhiệm vụ, nạn nhân phải chuyển số tiền đổi (1 triệu đồng được 150 điểm tích lũy). Số tiền chuyển cao dần, đối tượng yêu cầu phải nạp thêm tiền bù trừ nhiều lần mới rút được toàn bộ số tiền…

Sau nhiều lần nạp tiền vào mà vẫn không rút tiền ra được, nạn nhân nhắn tin hỏi thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do để thoái thác việc trả lại tiền đã nạp vào hệ thống.

Nghi ngờ bị tội phạm công nghệ cao lừa số tiền trên 1,6 tỷ đồng nên nạn nhân đã đến cơ quan công an trình báo

3-5-(1).jpeg

Theo Cục An toàn thông tin, đối với hình thức lừa đảo trên, các đối tượng thường tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo, tự xưng là nhân viên hỗ trợ, mạo danh các công ty uy tín, thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc Telegram để dẫn dụ và hướng dẫn nạn nhân tham gia vào các “dự án” hoặc nhiệm vụ nạp tiền nhận hoa hồng không có thật. Đôi khi đối tượng còn sử dụng chiến thuật gây áp lực, khẳng định rằng nếu không hành động ngay, người dùng sẽ mất một cơ hội lớn. Sau khi nạn nhân tin tưởng chuyển tiền, đến một số tiền lớn nhất định, đối tượng sẽ đưa ra hàng loạt các lý do để nạn nhân không thể rút được tiền ra và chặn toàn bộ liên lạc.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần đề cao cảnh giác trước các lời hứa hẹn về thu nhập cao, việc làm dễ dàng không cần bằng cấp. Người dân cần xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng.

Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai; thiết lập xác thực hai yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, cần ngay lập tức báo cáo cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục