Mở rộng hoạt động, gia tăng doanh thu ngân hàng

Mặc dù dự báo có nhiều thách thức, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, các ngân hàng vẫn có nhiều cơ hội mở rộng hoạt động, gia tăng doanh thu trong năm 2025.

Hoạt động giao dịch tại Vietcombank.

Hoạt động giao dịch tại Vietcombank.

Đặc biệt, với quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 8% thông qua đẩy mạnh đầu tư công, cơ hội cho vay của các ngân hàng cũng được kỳ vọng mở rộng thêm. Trên cơ sở xu hướng tăng trưởng tín dụng năm 2025 được dự báo tiếp tục tích cực sẽ giúp ngân hàng gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

MỞ RA NHIỀU CƠ HỘI CHO VAY

Theo nhận định từ các chuyên gia Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, nền kinh tế Mỹ hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024, nhưng các yếu tố nội tại đóng vai trò chính thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025.

Với quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 8% thông qua đẩy mạnh đầu tư công, cơ hội cho vay của các ngân hàng cũng được kỳ vọng mở rộng thêm. Trên cơ sở xu hướng tăng trưởng tín dụng năm 2025 được dự báo tiếp tục tích cực sẽ giúp ngân hàng gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 sẽ chậm lại, nhưng tăng trưởng của các yếu tố trong nước như đầu tư hạ tầng, bất động sản và tiêu dùng sẽ cải thiện.

Tăng trưởng xuất khẩu chậm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, tuy nhiên, phần lớn xuất khẩu của Việt Nam nhờ các doanh nghiệp FDI mà các công ty này không vay nhiều từ ngân hàng trong nước. Như vậy, có nghĩa tăng trưởng xuất khẩu chậm không ảnh hưởng quá nhiều tới ngân hàng trong nước.

Hơn nữa, các ngân hàng vẫn sẽ là bên hưởng lợi từ sự chuyển dịch sang tăng trưởng GDP nhờ vào các yếu tố nội tại nêu trên, bởi các ngân hàng Việt Nam tài trợ gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước; đồng thời, cũng cho vay nhiều đối với bất động sản và tiêu dùng - những lĩnh vực giúp thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2025.

Đặc biệt, Chính phủ cũng dự định sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2025 bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, nhờ đó kỳ vọng sẽ mở rộng thêm cơ hội cho vay cho các ngân hàng.

Phó Tổng Giám đốc HDBank Trần Hoài Nam cũng chỉ ra một số cơ hội thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đến từ việc các bộ luật quan trọng liên quan nhiều lĩnh vực kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung và đang dần đi vào thực tiễn, tạo nên môi trường pháp lý minh bạch, ổn định hơn.

Cùng với triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tăng trưởng tiêu dùng và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán cũng hứa hẹn thu hút dòng vốn quốc tế, gia tăng động lực phát triển kinh tế.

Theo ông Nam, sự chuyển dịch vốn đầu tư toàn cầu về Việt Nam mở ra cơ hội lớn để mở rộng quy mô hoạt động và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các ngân hàng có thể tận dụng xu hướng này mở rộng mạng lưới hoạt động, cải thiện dịch vụ và thu hút thêm khách hàng trong nước và nước ngoài.

ỨNG BIẾN TRƯỚC KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Cùng với những cơ hội mở ra cho ngân hàng chuyển mình mạnh mẽ, năm 2025 cũng được dự báo việc kinh doanh của các ngân hàng sẽ gặp không ít thách thức trong bối cảnh biến động kinh tế và địa chính trị toàn cầu tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận và mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Tổng Giám đốc HDBank Trần Hoài Nam nhìn nhận, dù trong bối cảnh nào, quản trị rủi ro và tuân thủ luôn là “chìa khóa” để các ngân hàng phát triển an toàn và bền vững.

Công ty cổ phần Dịch vụ nhà đầu tư và Xếp hạng tín nhiệm Việt Nam (VIS Rating)- một công ty liên kết của Moody’s cũng chỉ ra rằng, trong năm 2025, ngành ngân hàng vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn, nhất là rủi ro liên quan bất động sản. Một số ngân hàng nhỏ và vừa có tỷ lệ khoản vay cao dành cho các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.

Điều này có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản của họ, trong khi các ngân hàng lớn lại có lợi thế hơn khi tập trung vào cho vay doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Do đó, để duy trì tăng trưởng ổn định, các ngân hàng cần tập trung vào quản lý rủi ro, mở rộng danh mục đầu tư an toàn và tối ưu hóa chi phí huy động vốn.

Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và vấn đề xử lý nợ xấu. Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện chưa ổn định, nhiều công ty gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu và quản lý nợ. Khi thị trường vốn vẫn còn hạn chế, áp lực cung ứng vốn của nền kinh tế lên ngành ngân hàng sẽ càng lớn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước phức tạp khó lường, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Việc xử lý nợ xấu gặp thách thức không nhỏ do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Hiện nay, việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu tiếp tục gặp vướng mắc khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa được luật hóa, gây rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Vietcombank đề xuất NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt để thích nghi với bối cảnh có nhiều thay đổi, nhằm duy trì được sự cân bằng tối ưu giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, giữa tỷ giá và lãi suất.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục