Đa dạng thị trường
Thị trường xuất khẩu chè khô đang rộng mở đối với các doanh nghiệp sản xuất chè của tỉnh. Ngoài thị trường Trung Đông, chè Tuyên Quang đã có thị trường châu Âu, bắc Mỹ, châu Á.
Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô cho biết: Trong năm 2024 công ty xuất khẩu hơn 4.700 tấn chè xanh và chè đen các loại. Giá trị xuất khẩu ước đạt gần 8 triệu USD, vượt hơn 70% so với kế hoạch. Ngay trong tháng 1-2025, Công ty đã xuất được 400 tấn. Để xuất khẩu ổn định thì công ty duy trì khách hàng cũ truyền thống như các nước Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan và các nước Nga, Hà Lan đồng thời tìm kiếm các thị trường mới ở khối các nước ASEAN, Đài Loan (Trung Quốc). Hiện nay công ty đã được cấp mã số vùng trồng, điều này giúp cho việc thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường mới được thuận lợi, dễ dàng hơn. Đồng thời, công ty cũng đang tích cực đầu tư cải tiến trang thiết bị sản xuất, mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm.
Công ty TNHH Korea Bag sản xuất bao bì xuất khẩu tại Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Tin vui là từ đầu năm, số đơn hàng đối với ngành hàng gỗ, dệt may, da giày… từ các thị trường xuất khẩu chủ lực đã tăng lên, đây là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh có thể về đích. Tuy nhiên, điều kiện là hàng hóa phải đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Hoạt động gần 10 năm với 3 nhà máy sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất, ván công nghiệp xuất khẩu, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang có sản phẩm xuất khẩu ổn định sang thị trường Mỹ, Châu Âu. Năm 2024 doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023, nộp ngân sách trên 60 tỷ đồng.
Ông Lê Quang Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thông tin: Các thị trường xuất khẩu chính tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu như một hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với nhiều nhóm mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Đơn cử, các quốc gia Châu Âu (EU) đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), có hiệu lực từ tháng 10-2023. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải chịu thêm chi phí, chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Thích ứng với thị trường xuất khẩu, công ty đã thay đổi mẫu mã liên tục theo từng đơn hàng đối tác cần, công nghệ luôn đổi mới để đáp ứng tốt hơn chất lượng. Việc này đòi hỏi cán bộ, công nhân phải thay đổi tư duy sản xuất để bắt nhịp với công việc nhưng bù lại các đơn hàng nhiều hơn. Đến nay công ty đã có đơn hàng hết năm 2025, kỳ vọng mục tiêu doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng sẽ cán đích.
Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang năm 2024 đã phục hồi sản xuất nhờ đa dạng thị trường, doanh thu đã tăng 20% so với năm 2023. Hiện đơn vị đã có đơn hàng đến hết quý I-2025. Năm 2025, đơn vị phấn đấu doanh thu đạt 90 tỷ đồng. Ông Trần Trọng Thủy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang chia sẻ, mỗi thị trường có một thị hiếu và đặc tính khác nhau. Những năm trước sản phẩm ván gỗ lau dầu, ván sàn của công ty chỉ xuất sang Trung Quốc nhưng giờ Trung Quốc không nhập nữa buộc doanh nghiệp phải tìm cách liên kết với các đơn vị thành chuỗi sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu…
Tăng chất
Cùng với đa dạng thị trường xuất khẩu thì các doanh nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm để đảm bảo đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường.
Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang có 3 nhà máy sản xuất và 36 điểm kinh doanh, thu mua nguyên liệu. Bà Cao Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang khẳng định: Nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu được doanh nghiệp thực hiện liên tục từng quý, từng năm. Sản xuất những mặt hàng thị trường cần, chất lượng sản phẩm vượt trội là phương châm kinh doanh của đơn vị cũng là điều kiện để doanh nghiệp có đơn hàng ổn định thời gian qua. Công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy gỗ ván ép với dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Việc ứng dụng tự động hóa vào sản xuất sẽ giúp nhà máy nâng cao năng suất, tăng sản lượng, thành phẩm tạo ra có độ chính xác cao, tỷ lệ lỗi thấp nhất, tiết kiệm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang được đầu tư xây dựng trên diện tích 3,3 ha tại Khu Công nghiệp Long Bình An vừa đi vào sản xuất. Nhà máy có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm, dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư hơn 478,8 tỷ đồng (tương đương hơn 20,4 triệu USD). Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Erex cho biết: Nhà máy đang chạy thử sản phẩm viên gỗ nén chất lượng cao. Sản phẩm viên nén sẽ sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như nguyên liệu đốt cho các nhà máy nhiệt điện, là chất đốt cho lò sưởi, thiết bị thiêu đốt công nghiệp, hệ thống xông hơi, sấy thực phẩm gia súc... dự án này sẽ dẫn đầu xu hướng sản xuất xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu xanh hóa của thị trường và khách hàng.
Các dự án công nghiệp đã sản xuất ổn định thì trong năm 2024 một số dự án công nghiệp mới, có giá trị kinh tế cao đi vào sản xuất như: Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh các loại bao bì PP Container Khu Công nghiệp Sơn Nam của Công ty TNHH Sung Lim ViNa; Dự án Nhà máy sản xuất ván sàn tại Cụm Công nghiệp Thắng Quân huyện Yên Sơn của nhà đầu tư Future Ghi Singapore… Cũng đang nỗ lực sản xuất kỳ vọng năm 2025 sẽ có nhiều khởi sắc.
Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Để thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn, thời gian tới, Sở Công Thương Tuyên Quang tiếp tục rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Kịp thời thông tin các cơ chế, chính sách mới tới các doanh nghiệp; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, nguồn lao động. Đồng thời, ngành Công Thương đang tập trung thực hiện Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu; tăng cường cung cấp thông tin thị trường và hoạt động nâng cao năng lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số cho các doanh nghiệp…
Với sự chủ động của các doanh nghiệp, sự vào cuộc của các ngành trong tỉnh, kỳ vọng kế hoạch xuất khẩu năm 2025 sẽ cán đích.
Gửi phản hồi
In bài viết