Những cây cầu tạm được người dân tự làm, nguyên vật liệu cũng là “tự cung, tự cấp” từ đắp kè ở hai bên bờ, đến việc dựng trụ cầu từ các cây gỗ. Mặt, thành cầu là những tấm gỗ, cây tre… tất cả đều lấy ở rừng về được gia cố với nhau bằng những sợi dây thép tạm bợ. Hằng ngày, hơn 100 người dân ở 4 thôn gồm thôn 1 Yên Lập, thôn 3 Yên Lập, thôn 2 Thống Nhất, thôn 4 Thống Nhất và người dân ở các thôn khác… vẫn phải đi lại, học hành, phát triển kinh tế trên những chiếc cầu này.
Theo thống kê của UBND xã Yên Phú, bình quân mỗi ngày có trên 100 lượt người và các loại phương tiện đi qua cây cầu này, chủ yếu là người đi bộ, xe đạp, xe máy. Tại 4 thôn trên còn có gần 50 con em người dân tộc thiểu số học từ trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Không còn con đường nào khác buộc các em phải đi qua cây cầu tạm, lội những con suối.
Cây cầu tạm ở thôn 3 Yên Lập, xã Yên Phú (Hàm Yên) được người dân tự làm để qua suối.
Anh Vũ Văn Thắng, thôn 1 Yên Lập cho biết, mỗi khi trời mưa to, 30 hộ dân tộc Dao sống bên này suối biệt lập với bên ngoài. Học sinh không thể đi học được. Còn ngày thường muốn qua suối học sinh phải đợi có người lớn đi cùng thì mới dám qua. Có thời điểm nước suối dâng cao, chảy xiết, học sinh phải nghỉ học ở nhà. Khi nước rút, mới sang được lớp. Gia đình anh có con nhỏ học lớp mầm non và lớp 3, anh và vợ phải chia nhau bố trí đưa đón con đi học vì con không tự qua được suối. Những ngày có lũ thì các con anh đành nghỉ học.
Ông Đặng Văn Thông, thôn 1 Yên Lập cho biết, những năm trước, để đi lại thuận lợi, người dân cũng góp sức làm cầu tạm, nhưng do suối dốc, rộng nên lần nào lũ cũng cuốn trôi mất cầu. Mỗi lần như vậy khắc phục mất cả tuần nên bây giờ không làm cầu tạm nữa, đành lội suối.
12 hộ đồng bào Dao ở thôn 3 Yên Lập thì cầu tạm như nỗi ám ảnh. Anh Đặng Văn Toán, Trưởng thôn cho biết, mỗi năm làm 4 đến 5 lần, đắp đất hai bên mố cầu. Mỗi làm lại cầu cũng mất vài triệu đồng và người dân phải tự kè mố cầu bằng bao đựng đá, sỏi. Không làm thì không lội được suối vì nước sâu, nguy hiểm, mà làm thì tốn kém sức người, sức của. Từ năm 2020 đến nay, do thời tiết mưa nhiều, người dân đã 6 lần làm lại cầu tạm. Chuyện người dân, hay lũ trẻ đi học phải quay về là chuyện thường.
Do được làm một cách tạm bợ nên tình trạng hư hỏng xảy ra thường xuyên. Chỉ cần mưa lớn lũ, nước chảy xiết là chiếc cầu bị cuốn trôi hoàn toàn.
Cuộc sống đã đổi mới nhiều, nhưng ở những thôn chưa có đường bê tông, cầu qua suối thì nỗi lo trời mưa đi lại khó khăn, học sinh vẫn phải nghỉ học. Cầu hỏng, bị cuốn trôi, nhất là vào mùa mưa lũ đồng nghĩa với việc người dân bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thời điểm mưa lũ kéo dài, người dân phải chờ tới khi nước rút mới đắp đập, be bờ, làm lại được.
Cây cầu tạm ở thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) do nhân dân tự làm qua suối.
Anh Vũ Văn Thắng, thôn 1 Yên Lập, lo lắng cho biết: “Những lúc có người ốm đau, phải đi cấp cứu, rồi chị em phụ nữ sinh nở mà cầu hỏng, nước lũ lớn, người dân bị cô lập hoàn toàn, không qua suối được thì không biết phải làm thế nào nữa. Đó là chưa kể đến việc các cháu phải nghỉ học, mọi giao thương đều phải ngừng trệ… Chúng tôi chỉ mong các cấp, các ngành quan tâm để giúp cho bà con có được một cây cầu kiên cố, không lo lắng mỗi khi lũ về”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: “4 thôn có địa bàn đặc biệt khó khăn với trên 100 hộ, chủ yếu là dân tộc thiểu số, còn nghèo. Chiếc cầu tạm qua suối có ý nghĩa vô cùng quan trọng với bà con nhân dân nơi đây. Trước thực trạng đó, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với huyện, tỉnh và ngành giao thông xin hỗ trợ xây dựng cầu kiên cố, bảo đảm thuận lợi, an toàn cho bà con nhân dân, song đến nay vẫn chưa thực hiện được do kinh phí xây dựng lớn. Mỗi lần cầu bị hỏng, người dân đều phải tự làm lại, xã không có kinh phí để hỗ trợ, chưa nói gì đến việc xây một cây cầu mới kiên cố, an toàn. Cứ đến mùa mưa bão, chính quyền xã rất lo lắng bởi nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại, đặc biệt là việc đến trường của các cháu học sinh".
Ông Thủy cũng cho biết, cấp ủy, chính quyền xã Yên Phú đã khảo sát, đưa những điểm thôn bản cần có cầu vào danh mục đầu tư xây dựng giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, do xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều tuyến đường, công trình thiết yếu, cấp bách cần được đầu tư nên chưa có kinh phí để thực hiện mục tiêu xóa cầu tạm ngay.
Người dân các thôn của xã Yên Phú rất cần có một cây cầu kiên cố để ổn định cuộc sống, giao thương với bên ngoài và nhất là để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng và để cho các cháu học sinh không lỡ nhịp tới trường.
Gửi phản hồi
In bài viết