Dạy bơi cho học sinh - ngăn nạn đuối nước ở trẻ

- Mới đây, tại địa bàn tỉnh ta đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 2 học sinh trường THCS Hồng Thái tử vong. Đây là lời nhắc nhở đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý con em, không để con em mình tụ tập, vui chơi gần sông, hồ nguy hiểm. Qua vụ việc đó, cần nhìn nhận tầm quan trọng của môn bơi trong rèn luyện kỹ năng sống cho thanh thiếu niên.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Quản lý thể dục, thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: toàn tỉnh hiện có 32 bể bơi tập trung ở các huyện, thành phố, trong đó riêng TP. Tuyên Quang có 22 bể. Bơi được coi là môn thể thao rèn luyện kỹ năng sống, có vai trò quan trọng trong rèn luyện sức khỏe và giải cứu mình, người thân trong những tình huống bất trắc trên sông nước, do vậy để môn bơi phát triển thì cần phải khuyến khích phong trào, từ đó nhân rộng ra. Hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều duy trì tổ chức Giải bơi Thiếu niên hưởng ứng chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em của tỉnh, từ đó để các bạn trẻ có động lực cùng tham gia luyện tập, thi đấu.

Anh Vũ Ngọc Sơn, Huấn luyện viên môn bơi, Bể bơi Royal, Phường Tân Quang (TP. Tuyên Quang) chia sẻ: ban đầu anh mở lớp học bơi, nhưng đa số là các bạn nhỏ lứa tuổi từ 5 - 7 tuổi tham gia vào dịp hè, lứa tuổi thiếu niên thường ít hơn. Hiện nay anh đang dạy 3 lớp 1 tuần, số lượng học sinh từ 15 - 20 em học sinh mỗi buổi, tuy nhiên số học sinh thiếu niên vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ khoảng 30%.

Anh Vũ Ngọc Sơn, huấn luyện viên môn bơi đang dạy các em nhỏ kỹ thuật bơi đảm bảo an toàn.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện đã có trường học như THPT Nguyễn Văn Huyên có bể bơi dành cho học sinh, tuy nhiên đặc thù môn bơi là chỉ hoạt động mùa hè, nếu sang mùa đông thì khó để duy trì môn học, đồng thời trang bị quần áo phục vụ bộ môn chưa đồng bộ nên vẫn gây nhiều khó khăn cho công tác dạy và học. Ở một số địa phương, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, các tiết học ngoại khóa chủ yếu là dạy về lý thuyết, như phân tích vai trò ý nghĩa của việc học bơi và các phương pháp phòng tránh đuối nước cho học sinh, còn việc dạy thực hành bơi cho học sinh trong chương trình học chưa được triển khai tại trường.

Em Hoàng Thị Mỹ Hạnh, lớp 11B4, THPT Na Hang cho biết: bản thân em rất thích bơi, ở địa bàn Na Hang cũng có bể bơi tư nhân nhưng vì đi học về, bố mẹ cũng bận công việc, đi không có bạn bè đi cùng nên em đến bể bơi được vài lần dịp cuối tuần xong không theo học nữa. Trên Na Hang các bạn bằng tuổi em đi học bơi không nhiều, đa số nhiều bạn tự truyền nhau tắm ở vùng sông, hồ, nên có nhiều nguy hiểm.

Trái với thái độ thờ ơ của nhiều gia đình với môn bơi cho con em mình, thì tỉnh ta đang xuất hiện nhiều gia đình coi môn bơi là kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Gia đình anh Tô Xuân Dũng, tổ 14, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) là ví dụ điển hình, anh luôn coi môn bơi là kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, hàng ngày anh, chị đều dành thời gian đưa các con đến các bể bơi ở thành phố để luyện tập. Mới đây trong Giải bơi Thiếu niên hưởng ứng Chương trình Phòng chống đuối nước trẻ em của tỉnh Tuyên Quang 2021, cháu Tô Duy Toàn, đã giành giải nhất lứa tuổi 12 - 18 tuổi.

Theo ông Đồng Dương Mười, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, để thúc đẩy môn bơi lan tỏa rộng khắp thì không có cách nào khác là thúc đẩy phong trào bơi lội trong các trường học phát triển, đặc biệt nếu đưa bơi lội trở lại thành môn thi trong Hội khỏe Phù Đổng thì sẽ tạo được phong trào học bơi trong học sinh. Mặt khác, các nhà trường phải làm tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh thấy được tầm quan trọng cũng như tác dụng của môn bơi lội để họ chủ động, tạo điều kiện cho con em được học bơi. Có như vậy phong trào bơi lội trong học sinh mới phát triển, vừa giúp rèn luyện kỹ năng phòng chống đuối nước, nâng cao sức khỏe, đồng thời tạo sân chơi bổ ích cho các em.            

 Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục