Nhiều nước xử lý nghiêm hành vi sử dụng chứng nhận tiêm chủng giả.
Molly, 24 tuổi, sống tại thành phố Melbourne của Australia cho biết, cô đã sử dụng chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 giả mạo mua qua mạng xã hội để đến ăn tối tại các nhà hàng trên khắp thành phố. Chia sẻ với hãng AFP, Molly tiết lộ rằng, có một đường link trên mạng xã hội, chỉ cần điền thông tin chi tiết vào là sẽ có được một tấm "hộ chiếu vaccine" giả. Molly nêu rõ: "Tôi không phải là người có quan điểm bài trừ vaccine, nhưng tôi không cho rằng việc tiêm vaccine là bắt buộc". Trong khi đó, Salim, 27 tuổi, đã tự tạo ra chứng nhận tiêm vaccine cho mình dựa trên bản mẫu từ giấy chứng nhận thật của người bạn.
Lệnh cấm những người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào các nhà hàng, quán rượu, bảo tàng, sân vận động… ở nhiều nước đã góp phần khuyến khích người dân đi tiêm phòng, song đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của "thị trường đen" trên mạng xã hội, nơi sẵn sàng cung cấp những chứng nhận tiêm phòng giả mạo cho người có nhu cầu. Tại Australia, số lượng các lượt tìm kiếm về chứng nhận giả trên Google đã gia tăng nhanh chóng sau khi các lệnh cấm đối với người chưa tiêm vaccine được giới chức nước này thông báo vào đầu tháng 10 vừa qua. Mới đây tại Italia, một học sinh 17 tuổi, sống ở gần thủ đô Rome, đã bị buộc tội bán chứng nhận tiêm phòng Covid-19 giả. Kết quả điều tra cho thấy, đối tượng này đã kiếm được hơn 20.000 euro trong một tuần nhờ hoạt động trái phép nêu trên. Theo cảnh sát Italia, đường dây bán chứng nhận giả này đã tiếp cận những người có nhu cầu thông qua các kênh như Telegram. Thị trường chứng nhận tiêm chủng giả cũng "nở rộ" tại Mỹ. Cơ quan bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ thông báo, tính đến tháng 9 vừa qua, các nhân viên của cơ quan này tại thành phố Memphis đã tịch thu hơn 3.000 giấy chứng nhận giả tiêm vaccine kể từ đầu năm 2021.
Người đứng đầu Cơ quan tư pháp bang Bắc Carolina của Mỹ Josh Stein nhận định, tình trạng làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng ngày càng tăng đang đe dọa sự an toàn của cộng đồng, cũng như cản trở nỗ lực tiêm chủng đại trà ở các nước. Giới chuyên gia cảnh báo, người mua "hộ chiếu vaccine" giả có thể trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang". Trước tình trạng nạn mua bán chứng nhận giả tràn lan, nhà chức trách các nước đã tăng cường hoạt động truy quét những đường dây phạm tội và xử lý nghiêm đối với hành vi sử dụng chứng nhận giả. Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng kêu gọi người dân không đăng ảnh chụp chứng nhận tiêm chủng của mình trên các nền tảng mạng xã hội, do những thông tin này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để làm giả chứng nhận thông qua công cụ chỉnh sửa hiện đại.
Sáng kiến áp dụng "hộ chiếu vaccine" đem đến hy vọng giúp phục hồi kinh tế và từng bước khôi phục các hoạt động bình thường của người dân. Tuy nhiên, việc thực thi các giải pháp đồng bộ đi kèm cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để sáng kiến này thật sự phát huy hiệu quả và an toàn với cộng đồng
Gửi phản hồi
In bài viết