Báo cáo do công ty tư vấn tài chính McKinsey & Co vừa công bố cho thấy, Trung Quốc đã dẫn trước Mỹ, trở thành quốc gia nắm giữ tài sản ròng lớn nhất hành tinh.
Theo hãng tin Bloomberg, tổng của cải của Trung Quốc đã tăng ngoạn mục trong 20 năm qua, dẫn đến việc tài sản ròng tăng gấp 17 lần, từ 7.000 tỷ USD vào năm 2000 lên 120.000 tỷ vào năm 2020.
Cường quốc châu Á này hiện chiếm giữ gần 1/3 giá trị tài sản ròng toàn cầu gia tăng trong 20 năm qua. Năm 2000, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giúp thúc đẩy sự đi lên của nền kinh tế.
Cùng giai đoạn đó, Mỹ ghi nhận lượng của cải tăng gấp đôi. Tuy nhiên, theo McKinsey, Washington đã phải nhường chỗ cho Bắc Kinh trong danh sách 10 quốc gia giàu có nhất vì giá trị tài sản ròng của nước này chỉ đạt 90.000 tỷ USD vào năm 2020.
Ở cả hai quốc gia, hơn 2/3 của cải tích lũy được nằm trong túi của 10% hộ gia đình giàu nhất, và tỷ lệ này đang tăng lên.
Tổng cộng, tài sản toàn cầu đạt 514.000 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ 156.000 tỷ USD vào năm 2000.
Khoảng 68% lượng của cải này được cất giữ dưới dạng bất động sản. Công ty McKinsey cho biết thêm, tốc độ tăng trưởng nhanh của nó đã vượt qua mức tăng của GDP thế giới trong cùng thời kỳ. Sự gia tăng tài sản toàn cầu đã được thúc đẩy bởi giá bất động sản tăng cao.
Tuy vậy, giá bất động sản tăng cao có thể khiến nhiều người không đủ khả năng mua nhà ở. Tình hình này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra như năm 2008, do vỡ “bong bóng” bất động sản ở Mỹ. Lần này, nó có thể ảnh hưởng mạnh đến Trung Quốc do các công ty phát triển bất động sản của họ đang nợ nần chồng chất.
McKinsey cảnh báo rằng, giá bất động sản sụt giảm có thể khiến 1/3 tài sản toàn cầu “bốc hơi”.
Gửi phản hồi
In bài viết