Lễ hội do nhân dân tạo nên, có sự tạo điều kiện và thống nhất cao giữa chính quyền và người dân trong việc tổ chức, nay đã được nâng lên tầm cao mới. Mỗi mô hình đèn trung thu là cả tâm huyết, sự sáng tạo và đóng góp của nhân dân, gửi gắm những câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc. Cả thành phố đêm đêm như một vườn cổ tích không nơi nào có được. Chắc chắn trong tâm trí mỗi trẻ thơ Tuyên Quang sẽ in đậm niềm vui và tình yêu thương từ những ngày được sống trong lễ hội.
Lễ hội đem đến nhiều cơ hội phát triển. Đã có những đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên điện ảnh đến khảo sát và đưa ra những ý tưởng chọn Tuyên Quang làm bối cảnh cho những dự án phim mới. Đã có những ngôi sao trong làng giải trí đến giải cơn khát đu idol của người trẻ xứ Tuyên.
Về kinh tế, đã có người đưa ra phép tính: mỗi dịp trung thu thành phố đón khoảng 50 ngàn khách lưu trú, mỗi khách chi tiêu 1 triệu đồng cho ăn, nghỉ (chưa kể mua sắm, tham quan); các cơ sở dịch vụ sẽ thu về ít nhất 50 tỷ. Về việc làm, nếu tính 10 khách du lịch sẽ có 1 người phục vụ, thì thành phố đã có 5 nghìn việc làm. Ấy là chưa kể số lao động làm ra lương thực, thực phẩm, hàng hóa các loại cung cấp cho thị trường mùa lễ hội. Ấy là chưa kể còn có rất đông tập thể, cá nhân từ các địa bàn khác đến làm dịch vụ thức ăn, đồ chơi đường phố, tham gia hội chợ thương mại…
Chỉ tính sơ thế đã thấy Lễ hội thành Tuyên đang mang lại những lợi ích rất lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Vậy nên ai đó nêu ý kiến "tổ chức lễ hội là lãng phí, tốn kém" chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm của họ. Và những anh hùng bàn phím cổ vũ, hùa theo những phát ngôn trên cũng là kém hiểu biết, kém văn minh và trách nhiệm.
Nhân dân mong muốn lễ hội sẽ tiếp tục được phát triển để có thêm nhiều cơ hội phát triển mới về kinh tế, văn hóa, xã hội. Khi ấy, Tuyên Quang sẽ hiện đại, văn minh hơn, cả về hạ tầng, các cơ sở dịch vụ, các thiết chế văn hóa thể thao, lẫn lối ứng xử văn minh, thân thiện của người xứ Tuyên.
Gửi phản hồi
In bài viết