Thể hiện ở chỗ ham thích thành tích, nên sẵn sàng gian dối, báo cáo sai sự thật để thổi phồng thành tích. Ham thành tích nên nhận thành tích của đơn vị, địa phương thành của cá nhân. Vì ham thành tích nên họ thích được ca ngợi, nếu có ai phê bình góp ý liền không vừa ý, thậm chí trù dập…
Nguy hại hơn, vì ham thành tích nên nhiều người cố tình che giấu khuyết điểm, "chạy thành tích", đánh lừa cấp trên và dư luận... Họ dùng thành tích để đánh bóng tên tuổi, mở cánh cửa thăng tiến, củng cố vị trí, quyền lực.
Sinh thời, Bác Hồ đã chỉ rõ những biểu hiện của những kẻ ham thành tích: "...chỉ chăm về hình thức bên ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai; làm được ít suýt ra nhiều...; tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; báo cáo dối, giấu cái dở, cái xấu, chỉ nêu cái tốt, cái hay...".
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cũng đã chỉ rõ ham thành tích là một trong những biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống; đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, gây mất đoàn kết nội bộ, mất niềm tin dẫn đến hủy hoại uy tín, danh dự của cá nhân và sức mạnh của tổ chức, xa hơn, nó còn làm tổn hại đến Đảng, Nhà nước và chế độ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc làm tốt công tác thi đua khen thưởng; cần khắc phục bệnh ham thành tích của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Mỗi tổ chức Đảng và người đứng đầu cần trân trọng sự thẳng thắn, thành thật; cần khách quan đối với thái độ tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của mỗi cá nhân để tuyên chiến với bệnh ham thành tích.
Mặt khác, cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động quần chúng nhân dân giám sát để chủ động phát hiện sớm các biểu hiện không thành thật, chạy thành tích. Có như vậy mới phòng ngừa khuyết điểm, việc đánh giá thành tích mới thực chất, bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Gửi phản hồi
In bài viết