Thầy trò Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh,
sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021.
Lớn lên trên quê hương vùng cao
3 cô gái người Tày nói trên chính là Chẩu Thị Mai ở xã Hồng Quang, Hỏa Thị Minh Thùy ở xã Lăng Can (Lâm Bình) và Vi Thị Thùy Trang ở xã Phù Lưu (Hàm Yên). Hiện nay, cả 3 đang là học sinh năm thứ 2 lớp Trung cấp kế toán K17 B, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
Cả Mai và Thùy đều lớn lên ở mảnh đất Lâm Bình nơi có những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, vào ngày hội Lồng Tông đầu xuân, các em đi trẩy hội được ngắm những bộ quần áo của các dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn… sặc sỡ, những gian hàng bán thổ cẩm luôn thu hút những cô giái mới lớn. Mai kể, ở quê cứ đến ngày hội là chúng em náo nức cùng gia đình chuẩn bị những bộ trang phục thổ cẩm đẹp nhất, những quả còn bằng vải thổ cẩm nhiều màu với tua rua sặc sỡ được ném lên trên trời cao như xua đi những điều xấu đón chờ những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Em luôn nghĩ sau này đi học bằng cách nào đó mình sẽ giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của quê mình với những người bạn mới.
Cũng giống như Mai, tuổi thơ của em Hỏa Thị Minh Thùy là những tháng ngày đẹp đẽ, lớn lên với chiếc nôi và lời ru của mẹ. Nhà Thùy ở xã Lăng Can là “thủ phủ” của đất trồng bông dệt vải, những khung cửi, tấm vải thổ cẩm đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Mai bảo, ở quê em, nhiều gia đình có nghề dệt vải thổ cẩm được duy trì từ nhiều đời nay. Tuy nhiên càng về sau càng bị mai một dần, những bộ trang phục, vải thổ cẩm dần ít đi theo thời gian. Em thấy đó là một điều thật đáng tiếc và luôn mong muốn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình được bảo tồn và phát triển.
Nhóm học sinh Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm ở Lâm Bình.
Bẵng đi một thời gian dài, cho đến khi đi học tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, Mai và Thùy đã gặp được Vi Thị Thùy Trang ở xã Phù Lưu và những câu chuyện về thổ cẩm, bảo tồn văn hóa truyền thống đã kết nối, gắn kết 3 người trở thành những người bạn thân. Từ những ý tưởng ban đầu về khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm được các thầy, cô giáo trường nghề lắng nghe và “chắp cánh”, động viên cho các em thực hiện ý tưởng lớn hơn với Dự án “Thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” để tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021. Đây là một cuộc thi do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Từ đây đã giúp những ước mơ, dự định nâng tầm cho thổ cẩm quê hương của 3 cô gái dân tộc Tày được bay cao hơn và xa hơn.
Thành quả cho sự cố gắng
Dự án “Thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” hướng đến xây dựng, phát triển mô hình kinh doanh hợp tác xã dệt thổ cẩm, thông qua chuỗi liên kết giữa các cá nhân, hộ gia đình sản xuất các sản phẩm thổ cẩm như quần, áo, mũ, chăn… với thị trường tiêu thụ. Từ đây sẽ góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên của hợp tác xã, người dân. Đặc biệt việc khôi phục, duy trì và phát triển nghề thổ cẩm sẽ góp phần quan trọng nhằm gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống lâu đời của địa phương. Chị Chẩu Thị Thơm, mẹ của em Chẩu Thị Mai cho biết, khi thấy con gái chia sẻ về ý tưởng khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm chị ủng hộ ngay. Nhưng chị cũng nói với con đây là việc khó bởi so với những sản phẩm công nghiệp được mua từ chợ thì sản phẩm dệt bằng phương pháp thủ công tốn nhiều thời gian, chi phí rất cao, không phải ai cũng sẵn sàng sở hữu.
Để thực hiện dự án, Chẩu Thị Mai đã cùng nhóm bạn đến tận nhà vận động người dân vùng cao tham gia cung cấp các sản phẩm từ thổ cẩm để nhóm giới thiệu, quảng bá, thành lập một bộ sưu tập các sản phẩm. Với ý nghĩa lớn lao, góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở cùng cao, ý tưởng thành lập “Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” của Mai, Thùy và Trang đã trở thành 1 trong 67 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi toàn quốc với hơn 1.500 ý tưởng và dự án của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước tham dự.
Nhóm học sinh Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang trình bày dự án tại cuộc thi
“Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021.
Ở vòng chung kết cuộc thi, phần thuyết minh, giới thiệu dự án, hình ảnh các cô gái mặc trang phục dân tộc say mê nói về những ước mơ, dự định về khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm đã “đốn tim” Ban Giám khảo. Chung cuộc, cả hội trường “vỡ òa” sung sướng và vỗ tay không ngớt khi Dự án thành lập “Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” của nhóm học sinh Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã xuất sắc giành được giải Nhì và là 1 trong 6 dự án được lọt vào vòng gọi vốn. Đây chính là sự vinh dự, tự hào cũng như mở ra một cơ hội lớn để nâng tầm thổ cẩm quê hương.
Thầy giáo Đỗ Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, nhà trường luôn quan tâm và tạo điều kiện hết sức để những học sinh, học viên theo học tại trường được phát huy hết khả năng, năng khiếu cũng như những ý tưởng sáng tạo của mình. Việc lựa chọn Dự án “Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” để tham dự cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021 lần này đã góp phần quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở vùng cao tỉnh Tuyên Quang.
Với những ý tưởng xuất phát từ thực tế cuộc sống, Dự án thành lập “Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” nếu được nhân rộng sẽ góp phần bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, đồng thời còn mở ra hướng đi mới cho nghề dệt thổ cẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết