Thâu đêm làm nhiệm vụ
Trong lúc mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ thì trên những tuyến đường cửa ngõ vào tỉnh, các chiến sỹ áo trắng vẫn âm thầm lặng lẽ làm nhiệm vụ ngăn chặn dịch Covid-19, không để dịch lây lan vào tỉnh.
Với bác sỹ Nguyễn Mạnh Hoàn, Tổ phó chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19, xã Đội Bình (Yên Sơn) giờ không có đủ thời gian ăn bữa cơm chung với gia đình hay vui vầy bên đứa con nhỏ. Anh tâm sự, tất cả vì sự bình yên của nhân dân, những ngày lễ, ngày nghỉ, anh biết vợ con rất mong chờ nhưng mỗi người không biết hy sinh tình cảm riêng tư thì làm sao ngăn chặn được dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp lắm, tỉnh ta cũng xuất hiện ổ dịch tại các huyện vùng cao, vậy nên anh em bác sỹ luôn sẵn sàng tâm thế lên đường chống dịch. Năm hết, Tết sắp đến nơi rồi, tinh thần chống dịch càng phải cao để năm mới sẽ không còn dịch dã nữa, cuộc sống yên vui sẽ trở lại. Vậy nên, những ngày này dẫu có thâu đêm canh chốt, hay mỗi ngày chỉ được ngủ 2 - 3 tiếng đồng hồ và những bữa cơm vội cũng trở nên quen với anh và lực lượng làm nhiệm vụ tại đây. Có những hôm vừa chợp mắt thì anh em đánh thức báo có người trốn trong cốp xe để qua chốt.
Rồi chuyện người qua đường gây khó khăn khi được yêu cầu thực hiện các yêu cầu chống dịch, nhưng anh và anh em làm nhiệm vụ tại chốt đã cặn kẽ phân tích, tận tình hướng dẫn các thủ tục, nhờ đó trong suốt thời gian qua đã không để lọt người nhiễm bệnh vào tỉnh.
Dù không giấu được vẻ mệt mỏi nhưng tinh thần làm việc của các nhân viên Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vẫn hăng say và đầy ắp sự lạc quan. Những nụ cười, sự nhiệt huyết, tận tâm của các thầy thuốc phía sau lớp khẩu trang, những bộ quần áo bảo hộ thực sự tạo nên hình ảnh đẹp về người thầy thuốc nhân dân trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, góp phần tạo nên Tuyên Quang “vùng xanh” an toàn.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, hôm nay tôi mới gặp được kỹ thuật viên Hoàng Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Bác sỹ Hương cho biết, xét nghiệm là công việc đòi hỏi độ chính xác cao từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ... Tất cả các quy trình khép kín phải thật tỉ mỉ, chuẩn xác. Chỉ cần lơ là một chút hoặc thao tác không chính xác dù chỉ là một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm cũng sẽ làm sai lệch kết quả, rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe bệnh nhân, công tác điều trị và ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Gian nan là thế nhưng những chiến binh áo trắng luôn động viên nhau để cùng vượt qua, góp phần giữ vững vùng xanh, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân.
Hồi ức thanh xuân
Hồi ức thanh xuân của bác sỹ Trần Thị Hậu, cán bộ Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc đã 2 lần xung phong vào tâm dịch tại tỉnh Bắc Giang và thành phố Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ phai mờ. Hơn 70 ngày ở trong tâm dịch, trong đó có 30 ngày trong tâm dịch ở Bắc Giang, còn lại là trong tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, với bác sỹ Hậu đó là quãng thời gian quá nhiều kỷ niệm, trong đó có cả niềm vui và những giọt nước mắt. Đến bây giờ, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh trở về với công việc của mình hơn 3 tháng, song bác sỹ Hậu vẫn không quên được hình ảnh một bệnh nhi 6 tháng tuổi được đưa vào khu điều trị cùng với hàng xóm, vì bà và mẹ cháu đã mất do Covid-19, ba cháu cũng đang điều trị Covid ở một trung tâm hồi sức tích cực. Những ngày trực tiếp điều trị cho cháu trong khu điều trị, chị cùng các y, bác sỹ ở đây như là người mẹ thứ 2 hết lòng thương yêu cháu bé.
Gần 2 tháng là quãng thời gian trải nghiệm khó quên trong cuộc đời bác sỹ Đặng Quang Tuấn, cán bộ Khoa Tai, mũi, họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng đoàn Tuyên Quang đi hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh đợt 3. Trước những khó khăn của thành phố, anh và đồng nghiệp đã xung phong vào tâm dịch với mong muốn được góp sức nhỏ bé hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm Covid-19.
Bác sỹ Tuấn xúc động nhớ lại, những ngày mới vào đến đây đoàn được người dân hỗ trợ rất nhiều, dù chỉ là những mớ rau, hộp sữa nhưng chứa đựng những tình cảm không thể đong đếm của người dân nơi đây. Có cả những người con quê hương Tuyên Quang đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh khi biết tin đoàn vào hỗ trợ đã đến tận nơi để gửi thực phẩm cho anh em trong đoàn và sẵn sàng hỗ trợ bất cứ yêu cầu gì.
Trong “trận chiến” này, mọi nỗ lực đều được tính bằng phút, bằng giây, bởi ranh giới giữa sự sống và cái chết của người bệnh rất mong manh, có những bệnh nhân Covid-19 trở nặng rất nhanh. Trong quá trình điều trị có nhiều bệnh nhân ánh mắt như cầu cứu nói thều thào “tôi muốn được sống”, “cứu chị với, con chị còn rất nhỏ quá” khiến bác sỹ Tuấn và đồng nghiệp muốn khóc òa.
Khi những chiến sỹ áo trắng trở về quê hương thì dịch lại bùng phát tại huyện vùng cao Lâm Bình. Hơn 200 y bác sỹ toàn tỉnh lại tiếp tục lên đường đồng hành cùng Lâm Bình chống dịch. Điều dưỡng Nguyễn Văn Thuyết, sinh 1989, cán bộ Khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã từng đi hỗ trợ tại thành phố Hồ Chí Minh và khi Lâm Bình phát hiện ổ dịch, anh lại tình nguyện lên đường. Với anh, được chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh là niềm hạnh phúc, là niềm tự hào nghề nghiệp. Anh bảo, sức trẻ càng phải hy sinh, cống hiến để góp thêm niềm vui đến với mỗi người, mỗi gia đình khi năm mới đến.
Những đêm trắng của những chiến binh áo trắng luôn là hình ảnh đẹp về lòng dũng cảm và sự hy sinh, là điểm tựa vững vàng góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trong năm mới này. Chúng ta hãy tin tưởng ở điều đó, là bởi tất cả các lực lượng, trong đó có các y bác sỹ luôn sẵn sàng đương đầu với gian nan, thử thách vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết