Muồn tây hay còn gọi là muồng lá khế.
Cụ thể, bệnh nhân Phạm Thị X (sinh năm 1966) cùng chồng là ông Trương Công N (sinh năm 1958), ở tỉnh Kiên Giang, được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng teo cơ, hạn chế vận động 2 tay, nói khó và liệt 2 chân.
Qua khai thác bệnh sử, bà X chia sẻ, khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11-2021, bà X cùng chồng được người quen cho hạt đậu muồng để trồng và ăn. Vì nghĩ rằng, hạt đậu muồng có thể chữa bệnh tiểu đường nên hai vợ chồng đã ăn để phòng bệnh.
Ban đầu, mỗi ngày, vợ chồng bà chỉ ăn khoảng 2 hạt, sau đó ăn nhiều hơn và ăn hằng ngày. Sau khi ăn được khoảng 3 tháng, bà X thấy người mệt mỏi, suy nhược, chân tay yếu và cân nặng sụt giảm 15kg nên đi khám tại bệnh viện ở tỉnh Kiên Giang. Sau đó, chồng bà X cũng có biểu hiện tương tự, sụt giảm mất 10kg cân nặng. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà bị thiếu canxi nên kê đơn để bà bổ sung canxi.
Tuy nhiên, uống hết đơn, triệu chứng không cải thiện, thậm chí còn nặng hơn, bà X cùng chồng lên một bệnh viện khác tại thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán vợ chồng bà bị viêm đa dây thần kinh, phải châm cứu và bấm huyệt. Hết liệu trình điều trị, bệnh không thuyên giảm, lại nặng hơn, không chỉ còn là yếu chân tay, mà chuyển sang bị liệt cả 2 chân và phải di chuyển bằng xe lăn.
Các bác sĩ ở bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh đã gửi mẫu máu của vợ chồng bà X sang Singapore để xét nghiệm và kết quả cho thấy, vợ chồng bà nghi bị nhiễm độc kim loại nặng. Vợ chồng bà được giới thiệu đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để điều trị.
Tại Trung tâm Chống độc, hai bệnh nhân đã teo cơ, hạn chế vận động 2 tay, nói khó và liệt 2 chân. Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực với 8 lần lọc máu và thay huyết tương, sức khỏe của vợ chồng bà X đã dần cải thiện. Hiện tại, ông N đã có thể cầm được bát cơm, tự đứng lên được và bước quanh giường. Còn bà X đã nói rõ, nuốt bình thường, tự nâng được bát cơm và tự đứng dậy.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, mẫu cây mà hai bệnh nhân đem tới là cây muồng tây, hay muồng lá khế, tên khoa học là Senna occidentalis (hay còn gọi là Cassia occidentalis). Đây cũng là hai trường hợp đầu tiên của Việt Nam được phát hiện ngộ độc loại cây này. Tình trạng ngộ độc loại cây này xảy ra nhiều ở gia súc, gia cầm các nước trên thế giới. Độc tố trong cây muồng tây là anthraquinone, có ở toàn bộ cây nhưng tập trung ở hạt, đã được ghi nhận gây độc với cơ, thần kinh, đặc biệt là gây hoại tử cơ, thoái hóa cơ, tổn thương gan, não và tử vong trên người và động vật.
Gửi phản hồi
In bài viết