Còn tại Việt Nam, các viện: Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng đang tăng cường giám sát chặt chẽ căn bệnh này. Riêng các tỉnh có cửa khẩu biên giới, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác giám sát nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Trong trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ, đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur trên địa bàn để thống nhất việc lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân khi cần thiết. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với WHO để kịp thời cập nhật thông tin về căn bệnh này và các biện pháp ứng phó.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện chưa xác định được căn nguyên chính gây chứng bệnh đậu mùa khỉ nhưng đường lây gây e ngại nhất là lây qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan tới bệnh đậu mùa vốn đã được xóa sổ vào năm 1980. Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với đậu mùa. Đối với bệnh đậu mùa khỉ, thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng thường là 7-14 ngày nhưng có thể 5-21 ngày. Các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Bệnh thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Gửi phản hồi
In bài viết