Đã 49 năm ông Hoàng Thế Cao hy sinh, vợ ông - bà Nông Thị Tạ bước sang tuổi 85, nhưng trong bà vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc ngày nhận tin ông hy sinh.
Bà Nông Thị Tạ.
Mỗi lần nhìn vào di ảnh của liệt sỹ Hoàng Thế Cao, bà Tạ lại rưng rưng nước mắt. Bà kể, năm 1966, ông Hoàng Thế Cao 29 tuổi, tình nguyện tham gia nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc khi bà đang thai nghén người con thứ 4. Chiến tranh ngày càng ác liệt, người vợ trẻ cùng 4 đứa con khắc khoải chờ đợi chồng, đợi cha, đợi những lá thư từ chiến trường nhưng không có hồi âm.
Mãi đến năm 1974, gia đình bà Tạ nhận được tin ông Hoàng Thế Cao đã hy sinh tại chiến trường Tây Nam. Ông hy sinh ngày 21-3-1973. Bà Tạ như chết lặng. Ngày ấy, cả gia đình bà cư trú ở xã Đà Vị. Hay tin huyện tổ chức lễ truy điệu cho chồng ở thị trấn Na Hang, 5 mẹ con bà Tạ dắt díu nhau đi mất 1 ngày đường mới đến được thị trấn. Nén lại đau thương, bà không nói cho các con biết rằng bố đã hy sinh nên mấy đứa nhỏ vui lắm vì lần đầu được đi ô tô U-oát ra huyện vì tưởng rằng được đi chơi.
Cuộc sống của 5 mẹ con bà Tạ ở nơi vùng sâu, vùng xa cách đây mấy chục năm khó khăn đến cùng cực. Nỗi đau mất chồng đã có lúc làm bà Tạ ngã quỵ. Nhưng nhìn đàn con thơ mỗi ngày càng khôn lớn, bà quyết tâm gạt nỗi đau sang một bên, biến đau thương thành hành động, cố gắng hết sức để lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái, xứng đáng với sự hy sinh của chồng.
Mấy chục năm qua, bà Tạ ở vậy thờ chồng. Bà vừa làm mẹ, vừa làm cha, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trồng cây lúa, cây màu nuôi dạy 4 người con. Đáp lại sự hy sinh của mẹ, những người con của bà không ngừng phấn đấu học tập và rèn luyện, trở thành những người có ích cho xã hội.
Anh Hoàng Thế Nga, con trai thứ 2 của bà Tạ, cán bộ Trung tâm y tế huyện Na Hang bày tỏ, sinh ra trong thời chiến tranh ác liệt, cha hy sinh khi anh mới 8 tuổi. 49 năm qua, mẹ và các anh luôn thương nhớ cha, canh cánh nỗi buồn vì không thể tìm được hài cốt của cha đưa về với đất mẹ Na Hang. “Khi chúng tôi khôn lớn, đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, chúng tôi càng thấm thía và cảm phục đức hy sinh cao cả của mẹ mình. Tôi rất tự hào khi cha hy sinh anh dũng vì độc lập của Tổ quốc, còn mẹ thì tần tảo sớm hôm, quên đi bản thân, thanh xuân để một mình nuôi các con trưởng thành.
2 con trai đang là cán bộ Nhà nước, nhiều cháu nội của bà Tạ có bằng Đại học, Thạc sỹ, là những người có ích cho xã hội. Đó là tài sản vô giá mà cả đời bà Tạ “chắt chiu” được... Vừa qua, bà là cá nhân duy nhất được UBND huyện Na Hang đề nghị dự gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết