Một số nước châu Á gia hạn biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 1-2, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 103.485.710 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.236.475 ca tử vong.


Mỹ đã tiêm chủng gần 30 triệu liều trong tổng số gần 50 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19
được phân phối tại nước này.

Châu Á - châu Đại dương

Ngày 31-1, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã cân nhắc giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội để giúp hồi sinh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Tuy nhiên, do số ca lây nhiễm tập thể liên quan tới các trường học và bệnh viện vẫn tiếp tục tăng, nên Hàn Quốc quyết định gia hạn các biện pháp này.

Hàn Quốc cũng sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) cho 60.000 người sớm nhất vào giữa tháng 2 tới và vắc xin của hãng AstraZeneca (Anh) cho 2,19 triệu người trong nửa đầu năm nay. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 355 ca nhiễm mới ngày 31-1, trong đó có 325 ca lây nhiễm trong nước.

Tại Trung Quốc, Cục trưởng Cục Y tế và Thực phẩm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Trần Triệu Thủy cho biết, kể từ khi làn sóng thứ tư dịch Covid-19 bùng phát, người dân tại hơn 100 tòa chung cư ở Hong Kong đều phải thực hiện xét nghiệm bắt buộc. Riêng trong tuần qua, Hong Kong đã phong tỏa 3 chung cư ở Jordan, Yau Ma Tei và North Point, trong đó có hơn 8.000 người dân đã phải xét nghiệm bắt buộc.

Tại Đông Nam Á, Myanmar thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng dịch Covid-19, lẽ ra hết hiệu lực vào ngày 31-1, như kéo dài việc đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế đến cuối tháng 2 này. Dữ liệu chính thức được công bố ngày 30-1 cho thấy, Myanmar đã ghi nhận thêm 349 ca mắc mới và 10 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên thành 139.864 người, trong đó có 3.125 trường hợp tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo phát hiện thêm 2.103 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 525.618 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 80 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 10.749 ca.

Cơ quan chuyên trách về đại dịch Covid-19 của Philippines cho biết, ít nhất 5,6 triệu liều vắc xin Covid-19 của 2 hãng dược quốc tế sẽ tới nước này trong quý I-2021. Nước này dự kiến bắt đầu tiêm chủng trong tháng 2-2021 và đặt mục tiêu đảm bảo được 148 triệu liều vắc xin để tiêm cho khoảng 70 triệu dân trong năm nay, tương đương 2/3 dân số.

Tại Australia, Thủ hiến bang Western Australia Mark McGowan thông báo quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố Perth - thủ phủ của bang, trong vòng 5 ngày sau khi lực lượng chức năng phát hiện ca đầu tiên lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng sau gần 10 tháng.

Châu Âu

Báo chí Đức ngày 31-1 cho biết, một máy bay vận tải của quân đội nước này chở theo bác sĩ và thiết bị y tế đầu tuần này sẽ tới Bồ Đào Nha, nơi tình hình đại dịch Covid-19 đang hết sức nghiêm trọng khi có tới 70% số nhân viên y tế bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong khi số giường bệnh chăm sóc tích cực đã chạm ngưỡng.

Cụ thể, sẽ có một nhóm gồm 27 bác sĩ và nhân viên y tế tới hỗ trợ các bệnh viện đang bị quá tải về nhân lực ở Bồ Đào Nha và trước mắt sẽ ở lại đây hỗ trợ khoảng 3 tuần. Không chỉ Đức hỗ trợ, Áo cũng thông báo sẽ tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ Bồ Đào Nha để chữa trị. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết, Bộ Y tế Bồ Đào Nha sẽ thông báo số bệnh nhân được chuyển tới Áo chữa trị.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen thông báo, hãng dược phẩm AstraZeneca sẽ chuyển giao thêm 9 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong quý I năm nay, nâng tổng số vắc xin cung cấp cho EU trong giai đoạn này lên 40 triệu liều.

Trước đó, bà Leyen cũng đã có cuộc họp trực tuyến với CEO các hãng dược bào chế vắc xin, cảnh báo về nguy cơ của các biến thể mới xuất hiện và vì thế cần có sự chuẩn bị cho việc xuất hiện những biến thể mới như vậy.

Châu Mỹ

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa thông báo tạm dừng kế hoạch phân phối vắc xin ngừa Covid-19 cho những người bị giam giữ tại Guantanamo. Trước đó, kế hoạch này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nghị sĩ Cộng hòa trong bối cảnh Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêm chủng cho những nhân viên tuyến đấu chống dịch và những người cao tuổi dễ bị tổn thương.

Hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch Covid-19 với hơn 26 triệu ca mắc, trong đó có 450.000 ca tử vong. Tổng thống Joe Biden đã cam kết tiêm vắc xin cho 100 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm.

Tuy nhiên, đến nay, chiến dịch tiêm chủng hàng loạt của Mỹ vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự thiếu hụt vắc xin và những vấn đề về kỹ thuật đối với những người Mỹ đủ điều kiện được tiêm chủng. Theo giới chức y tế, cho đến nay, Mỹ mới tiêm chủng được gần 30 triệu liều trong tổng số gần 50 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 được phân phối tại nước này.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục