Cõ lẽ, mùa đông trên rẻo cao là mùa dễ để phân biệt với vùng thấp nhiều nhất. Tất cả mọi thứ ở đây phải tuân thủ, thuận theo quy luật của tự nhiên. Nếu như những địa phương ở vùng thấp gieo cấy 3 vụ trong năm ăn chắc, thì nông dân vùng cao chỉ gieo cấy được một vụ. Anh Vi Đức Tuân, dân tộc Tày, Bí thư Đoàn xã Đà Vị dẫn chúng tôi đi Nà Pin cho biết, do thời tiết quá lạnh, thiếu nước nên người dân Nà Pin chỉ làm ruộng bậc thang một vụ vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 10. Vào mùa đông khắc nghiệt, gió lạnh buốt, mọi hoạt động của người dân xung quanh bếp lửa vẫn là giải pháp tốt nhất.
Cuộc sống bên bêp lửa của một hộ dân xã Hùng Lợi (Yên Sơn).
Nhấp một chén chè Shan tuyết nóng bỏng mới pha, ông Sùng Mí Chính, dân tộc Mông, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cười tít mắt, giọng nói phả ra cả hơi nóng còn cuồn cuộn. Ông kể, Khuổi Củng vào mùa hè mà người dân cũng chỉ đi làm nương thông tầm. Tức buổi sáng tầm 10 giờ đi, đến 3 giờ chiều lại về, buổi trưa ở lại ăn cơm nắm. Bởi nhẽ, Khuổi Củng nằm cheo leo trên những ngọn núi cao trên 1.000 m so với mặt nước biển. Buổi sáng và sẩm tối mây giăng kín bản, thời tiết âm u nên người dân phải tranh thủ làm trưa mới được việc. Mùa hè đã vậy thì mùa đông ở Khuổi Củng còn khắc nghiệt hơn, sương rét buốt chả làm nổi gì. Cả gia đình ông Chính ngồi quây quần bên ngôi nhà trình tường mới phục dựng trong mùa đông thật ấm cúng. Ông mãn nguyện vì làm được cái nhà ưng ý theo truyền thống cha ông. Hơn nữa về mùa đông rất ấm, tránh việc gió lùa.
Ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) có 83 hộ dân nhưng sở hữu gần 200 con trâu. Mùa rét ở Cao Đường thật là tê tái. Trâu cũng thuộc diện đại gia súc chịu rét kém. Đồng chí Dương Minh Toàn, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Cao Đường chỉ tay về phía cuối ngôi nhà bếp chia sẻ “Chuẩn bị cho cái rét mùa đông năm nay, gia đình đã củng cố lại cái chuồng trâu. Xung quanh chuồng được bưng bán gỗ, quây bạt kín hết. Chuồng có máng ăn rộng, chỗ uống thêm nước muối hòa loãng, sưởi lửa. Gia đình còn tăng cường cho ăn thêm cám tinh bột nấu để có sức đề kháng. Tôi cũng phát trên hệ thống loa toàn thôn, các gia đình cần có biện pháp giữ ấm cho đàn trâu”. Qua khảo sát tôi mới hiểu tại sao người Mông, Dao ở Cao Đường lại thích nuôi lợn đen. Theo người dân thì lợn đen bì dày, lông nhiều, chống chọi rét ở vùng cao tốt.
Mùa đông ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên).
Mùa đông ở vùng cao khổ nhất vẫn là các em nhỏ được bố mẹ đưa đi học. Ở đây các xã địa bàn rộng nhưng dân cư phân tán, lưa thưa. Có ít em nhưng vẫn phải trụ một điểm trường. Nên chuyện cô giáo cắm bản ở các thôn diễn ra phổ biến. Vừa học tốt, vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh mùa rét vẫn là ưu tiên hàng đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo vùng cao. Các nhà trường phải luôn theo dõi nhiệt độ, nếu xuống quá thấp sẽ báo ngay cho phụ huynh cho các em nghỉ học. Những ngày rét buốt, nhiều điểm trường còn có đống lửa sưởi cho học sinh giờ ra chơi. Nói chung sự học trên vùng cao vì thế cũng nhọc nhằn hơn vùng thấp.
Cái được ở các địa phương vùng cao vụ đông chính là điều kiện lý tưởng canh tác các loại rau ưa lạnh. Ở xã Hồng Thái trước kia người dân chỉ trồng đủ ăn, nay do du lịch phát triển, nhu cầu thị trường lớn, người dân bắt đầu trồng rau vụ đông theo hướng hàng hóa. Chị Đặng Thị Liên, dân tộc Dao Tiền thôn Khau Tràng mạnh dạn trồng cây bắp cải cho kết quả khả quan. Bắp cải sinh trưởng tốt, cuộn chặt, ăn ngon. Giờ đây ở ngoài bắp cải, người dân Hồng Thái còn trồng su hào, súp lơ, rau cải, su su, các loại đậu đỗ phù hợp thời tiết ôn đới.
Trồng rau vụ đông ở xã Hồng Thái (Na Hang).
Năm nay do đại dịch Covid-19 bùng phát, du lịch săn mây nơi rẻo cao bị gián đoạn. Nhưng khung cảnh bồng bềnh, lãng mạn của những “suối mây” trên rẻo cao, vắt qua những ngọn núi, bản làng, cánh rừng nguyên sinh luôn làm thổn thức lòng người. Cuộc sống với những hoạt động nấu rượu, làm bánh, thêu thùa... bên bếp lửa hồng của người dân vẫn diễn ra đều đặn hàng ngày. Mùa đông ở đây sống chậm hơn nhưng thật quyến rũ với nét vùng cao.
Gửi phản hồi
In bài viết