Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến 23 tháng Chạp, lúc này, những ao nuôi cá chép đỏ - “phương tiện” đưa ông Công, ông Táo về trời đang bước vào thời điểm quan trọng nhất. Đó là những công đoạn cầu kỳ, phức tạp nuôi vỗ cá để đảm bảo cho cá đẹp nhất, chuẩn nhất cung ứng ra thị trường.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã thực hiện sản xuất, nuôi cá chép đỏ quy mô lớn nhất tỉnh.
Khu vực nuôi cá giống của Trung tâm Thủy sản tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Không giống những đối tượng cá thương phẩm khác như: chép, trôi, mè, trắm… cá chép đỏ mang giá trị về thẩm mỹ và tâm linh nên việc sản xuất tưởng chừng dễ mà lại vô cùng khó. Dễ đó là cá không yêu cầu cao về sinh trưởng, chất lượng thịt nhưng lại đòi hỏi rất cao về ngoại hình. Do đó, để sản xuất cá chép đỏ, những kỹ sư thủy sản phải tính toán chính xác thời gian cho sinh sản và nghiên cứu, ghép đôi sao cho màu sắc, ngoại hình cá đẹp nhất, phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Cá chép đỏ được Trung tâm Thủy sản ương nuôi phục vụ nhu cầu thị trường.
Thông thường, mùa sinh sản chính của cá chép đỏ là vào đầu năm. Thế nhưng, để đảm bảo cá sinh sản phục vụ nhu cầu thị trường, các kỹ thuật viên sẽ lựa thời điểm cho cá chép đỏ sinh sản là sau kỳ sinh sản của các loại cá truyền thống. Thường là vào tháng 8 dương lịch hàng năm, khi tần suất mưa rào dày là lúc những con cá bố, cá mẹ sẽ được ghép đôi để sinh sản. Và để tạo ra thế hệ cá tương lai có màu sắc rực rỡ, bắt mắt, cá bố mẹ được lựa chọn rất kỹ càng. Những con cá nổi trội về ngoại hình như mình thon, vảy óng, đuôi váy dài, rộng, màu đậm sẽ được chọn lựa làm cá giống sinh sản để tạo ra cá con chuẩn nhất, đẹp nhất.
Những con cá to khỏe, màu sắc đẹp sẽ được lựa chọn làm con giống
Chị Trịnh Thị Phượng, công nhân kỹ thuật Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết: Cá chép đỏ mang giá trị cao về tâm linh, thẩm mỹ nên việc nuôi rất kỳ công, phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Trước khi nuôi cá, các kỹ thuật viên sẽ làm quy trình cải tạo ao ban đầu để diệt tạp, diệt khuẩn, ổn định môi trường sống cho cá. Cá giống là cá chép vàng dòng Indonexia, thường được nuôi ghép với cá mè, ăn các loại thực vật phù du.
Nếu như trước đây cá được nuôi theo hình thức truyền thống thì hiện nay cá được cho đẻ trứng theo hình thức công nghiệp: đẻ vuốt, ấp bình vây (Nies). Trứng cá chép đỏ sẽ được kỹ thuật viên vuốt vào bát men, sau đó cá đực sẽ được vuốt sẹ (lấy tinh dịch). Hỗn hợp sẽ được trộn đều cùng với nước sinh lý rồi để nghỉ 10 phút. Hỗn hợp sau đó sẽ được trộn cùng nước ép dứa pha loãng từ 3-4% để khử dính rồi lọc sạch và đưa vào bình vây ấp. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản Nguyễn Quang Nghĩa, sau 48 giờ tùy thuộc vào thời tiết, nhiệt độ môi trường, phôi có thể nở nhanh hoặc chậm hơn.
Những ao cá chép đỏ rực khi vào mùa.
Cá con (hay còn gọi cá bột), sau khi được sinh ra sẽ nuôi trong bể trước khi thả ra ao. Để kiểm soát trọng lượng cá, cá chép đỏ được nuôi với mật độ dày gấp đôi, thậm chí gấp 3 đến 4 lần các loại cá thông thường, đồng thời cho ăn cầm chừng.
Do nuôi cá trong môi trường mật độ dày nên người nuôi cũng thường xuyên phải đảo nước để cung cấp oxi. Chất lượng nước cũng phải luôn đảm bảo sạch sẽ đề phòng cá bị ngạt, tránh nấm bệnh, ký sinh trùng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ngoại hình của cá. Để vảy cá bóng, mướt và màu sắc rực rỡ, nguồn thức ăn cũng rất quan trọng. Theo chia sẻ, thức ăn cho cá chép đỏ không cần quá nhiều đạm nhưng cần đảm bảo đủ dinh dưỡng. Thức ăn cho cá cũng phổ biến, dễ tìm, đa phần là các loại ngô, khoai, sắn, đậu nghiền phối trộn.
Hạt mầm được ủ sau nó nghiền để làm thức ăn cho cá
Những vật dụng chăm nuôi cá thô sơ
Cá chép đỏ được cho ăn theo giờ
Do đặc tính và nhu cầu của thị trường với dòng cá chép đỏ nên trong suốt quá trình nuôi, cá được luyện làm quen với những tín hiệu âm thanh. Chỉ cần nghe những tiếng vỗ tay hay tiếng leng keng của dụng cụ cho ăn là hàng vạn con cá vàng ngoi lên mặt nước.
Ao nuôi cá chép đỏ
Thông thường cứ sau rằm tháng Chạp là thị trường tiêu thụ cá chép đỏ sôi động. Để đáp ứng nhu cầu của thương lái, trước thời điểm đó, chủ ao sẽ chuyển cá từ ao sang một ao vây bằng lưới để giúp cá không bị ngạt bùn rồi chuyển đi tiêu thụ.
Cá chép đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo lời Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản Nguyễn Quang Nghĩa và công nhân kỹ thuật Trịnh Thị Phượng, nuôi cá chép đỏ để phục vụ cho ngày Tết ông Công ông Táo đã trở thành một ngành nghề sản xuất kinh doanh của đơn vị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi trong 6 tháng chăm sóc, nuôi dưỡng, sau khi trừ chi phí mỗi ao nuôi cá chép đỏ với diện tích khoảng 100m2 có thể mang lại lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng.
Cúng ông Công ông Táo và thả cá chép vàng là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
Cứ đến gần 23 tháng Chạp, những ao nuôi cá xung quanh Trung tâm Thủy sản lại tấp nập thương lái ra vào. Cá chép đỏ theo quan niệm dân gian không chỉ là “phương tiện” để ông Công, ông Táo lên chầu trời mà còn có ý nghĩa biểu tượng cho sự viên mãn, hạnh phúc, như ý trong đầu xuân năm mới.
Gửi phản hồi
In bài viết