Những món ăn ngày Tết cổ truyền

Tết là dịp đoàn tụ, đoàn viên của gia đình người Việt. Dù ở bất cứ đâu, mỗi người Việt Nam đều hướng về gia đình, ông bà, tổ tiên trong những ngày Tết. Những món ăn đậm đà hương vị Tết cổ truyền luôn được những người nội trợ chăm chút, tạo nên một bức tranh ẩm thực đầy sắc màu.

Nhắc đến Tết không thể không nói đến bánh chưng xanh. Những tấm bánh vuông vức được gói khéo léo, tài hoa vừa tượng trưng cho đất trời, vừa là biểu tượng cho ẩm thực ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, thịt lợn, đậu xanh và được gói vuông vắn bằng lá dong, sau đó đem luộc trong khoảng 8-10 giờ cho đến khi chín. Bánh rền dẻo, thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá dong. Sự kết hợp của sự dẻo thơm của gạo nếp, vị ngọt bùi của đậu xanh với vị béo của thịt mỡ, vị cay nhẹ của tiêu sẽ mang hương vị Tết thêm trọn vẹn, đầy đủ và sung túc.

Nem rán là món ăn truyền thống nổi tiếng trong ẩm thực Việt Nam, vì vậy món này đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của các gia đình. Những chiếc nem rán vàng ruộm, nóng hổi với phần nhân bên trong đậm đà được hòa quyện từ thịt lợn, mộc nhĩ, miến, nấm hương, cà rốt... cuốn cùng với rau xà lách, các loại rau thơm như húng quế, chấm trong chén nước mắm chua ngọt cực ngon miệng. 
Giò lụa, giò chả hay chả lụa là tên gọi của món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn xay nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Giò lụa được xem là một món ăn vừa phổ thông vừa sang trọng. Đây cũng là món ăn quen thuộc của người Việt trong năm chứ không chỉ ngày Tết. Khi bày cỗ giò thường được thái theo khoanh, chia thành miếng gọn gàng, trông đẹp mắt và dễ gắp.
Thịt đông là món ăn truyền thống quen thuộc đối với người dân miền Bắc vào mỗi dịp đầu năm. Trong tiết trời lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Thịt đông được làm từ thịt lợn, đôi khi được sử dụng thêm cả thịt gà. Tất cả sau đó đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong nồi thịt được lấy ra khỏi bếp, múc ra từng bát nhỏ rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh.
Dưa hành muối là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt Nam. Dưa hành thường được sử dụng như một đồ ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ như thịt đông, thịt kho tàu... giúp gia tăng hương vị của món ăn. Chứa nhiều các lợi khuẩn probiotic, dưa hành muối có thể tăng cường lợi khuẩn cho các bữa ăn, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Hành là loại củ có tính chất cay nóng và ấm. Ăn hành muối sẽ giúp làm ấm cho cơ thể trong mùa

Món gà luộc là món ăn có trong mọi mâm cỗ của mỗi gia đình. Một con gà luộc buộc cánh tiên là biểu tượng khởi đầu một năm mới may mắn, thuận lợi. Gà luộc chín tới sẽ có màu vàng, không bị rách da và được dùng chấm kèm với muối chanh ớt. Vị ngọt thơm của miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị riêng rất khó quên.

Những ngày Tết đến, Xuân về thường không thể thiếu bát canh măng khô nóng hổi với hương vị thơm ngon, béo ngậy. Nồi canh măng nấu cùng chân giò là món ăn đặc trưng của người miền Bắc mỗi dịp Tết Nguyên đán. Vị ngọt đậm đà của nước xương ngấm vào măng khô, cộng với mùi thơm của hành lá, mùi tàu khiến nhiều người có thể ăn no món này. Đây là món canh chống ngán hiệu quả trong những ngày Tết ngập tràn thịt, giò chả, bánh chưng. Và đây cũng được xem là một nét văn hóa truyền thống của ông bà xa xưa với thói quen ăn những món có nguồn gốc từ thiên nhiên.
 Mỗi vùng miền sẽ có những món ăn mang hương vị riêng, tuy nhiên, những món ăn ngon mang hương vị ngày Tết sẽ làm gợi nhớ đến quê nhà, đến những kỷ niệm thơ bé.