Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: DUY LINH)
Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận chiều 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết những vấn đề liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ không chỉ nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân ở trong nước, mà còn là một vấn đề đang được quan tâm trên phạm vi toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang phải đối phó, phải điều hành chính sách tiền tệ để ổn định tình hình trước biến động đầy phức tạp.
Theo Thống đốc, trong bối cảnh năm 2022 có nhiều khó khăn hơn so với những đánh giá vào cuối năm 2021, xu hướng lạm phát hiện đã trở thành xu hướng của toàn thế giới, và cho tới nay, đã có 80 nước trên thế giới ghi nhận mức lạm phát từ 2 con số trở lên.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cao và dự kiến vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao từ 4,5% đến 4,7% vào giữa năm 2023. Ngoài ra, đồng USD tăng mạnh khiến nhiều đồng tiền khác trên thế giới và khu vực suy giảm, nhiều đồng tiền mất giá khoảng từ 10% đến 30%. Những diễn biến như vậy khiến Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đều gặp khó khăn.
Ở trong nước, những diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán đã tác động rất mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao rất nhiều nhiệm vụ và đa mục tiêu. Ngay trong bối cảnh lãi suất của thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn được giao nhiệm vụ ghìm giữ lãi suất. Đây thực sự là việc khó khăn và đầy thách thức.
Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội ngày 28/10. (Ảnh: DUY LINH)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý. Qua đó cũng đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73% và năm 2022 ước đạt dưới 4%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, là yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm nay.
Trước bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động và linh hoạt, xác định trọng tâm, trọng điểm trong thời gian này là bảo đảm hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng và sẵn sàng cung ứng, thanh khoản để đáp ứng nhu cầu chi trả cho các tổ chức tín dụng.
Đối với thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn, và phải tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá. Bởi theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nếu ổn định lãi suất thì không thể nào góp phần kiểm soát được thị trường ngoại hối, trong khi đó thị trường ngoại hối ổn định đóng vai trò rất quan trọng đối với việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Cho rằng tác động của kinh tế thế giới đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước là điều tất yếu khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và có độ mở cửa nền kinh tế lớn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh điều quan trọng là phải đánh giá tại từng thời điểm, từng giai đoạn để xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống và thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cung ứng xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công thương phải có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khan hiếm, rối loạn cung ứng và có những cái giải pháp phù hợp.
Về phía hoạt động tín dụng của ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu; đồng thời đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng cho lĩnh vực kinh doanh này.
“Theo số liệu tổng hợp nhanh từ các ngân hàng, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng, dầu hiện nay là 103 nghìn tỷ đồng và mới sử dụng đến khoảng 58 nghìn tỷ đồng, hạn mức chưa sử dụng còn 44 nghìn tỷ đồng chứ chưa phải đã hết” – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, về thực tiễn, số lượng hỗ trợ còn ít. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành tiến hành đánh giá, khảo sát trong thời gian tới và báo cáo tổng thể với Chính phủ và Quốc hội.
Gửi phản hồi
In bài viết