Những bước tiến bộ khá toàn diện
Chiều 28/10, phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp ở hội trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, báo cáo của Chính phủ, các phát biểu của đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã nêu rõ những nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện dịch bệnh.
Hơn 1 năm trước, khi tình hình rất căng thẳng, chúng ta đã mạnh dạn chuyển hướng chiến lược, thích ứng linh hoạt, nhờ tiếp cận được vaccine để khẩn trương ổn định phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô, duy trì ổn định an sinh xã hội, có bước tiến bộ tương đối toàn diện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: DUY LINH)
“Điều đặc biệt hơn nữa, cũng như rất nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về xã hội, không chỉ trực tiếp là y tế mà giáo dục và các vấn đề an sinh xã hội, chúng ta vẫn duy trì tốt, có những bước tiến bộ khá toàn diện trong lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau đại dịch Covid-19. “Đến nay, thế giới chưa công bố hết dịch, và chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt là về vaccine thì chúng ta có cơ sở mạnh mẽ để thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, bù lại 2 năm vừa qua”, Phó Thủ tướng nói.
Dẫn số liệu nước ta đã tiêm 260 triệu liều vaccine phòng Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đang nằm ở tốp đầu thế giới về mức độ bao phủ vaccine mũi cơ bản và mũi tăng cường.
Tuy nhiên, đại dịch không chỉ cướp đi sinh mạng mà còn gây khó khăn, bất cập cho hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hệ thống kinh tế, làm nhận diện rõ hơn những điểm yếu của các ngành này. Các nước trên thế giới, kể cả những nước có trình độ phát triển cao cũng gặp nhiều khó khăn khi đối diện với những vấn đề này.
“Ở Việt Nam chúng ta mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng như các báo cáo đã thấy, chúng ta vẫn lo rất tốt cho bà con, không chỉ ở vùng đô thị, mà cả các vùng núi, vùng dân tộc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Giải quyết những điểm nghẽn cho y tế, giáo dục
Quang cảnh phiên họp tại hội trường Quốc hội chiều 28/10. (Ảnh: DUY LINH)
Theo Phó Thủ tướng, dù Việt Nam được xếp hạng nước thu nhập trung bình thấp, nhưng do tính ưu việt của chế độ, do truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự nỗ lực của cả hệ thống, của ngành y tế và giáo dục, nên 2 ngành này đều được đánh giá có mức phát triển và hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn rõ rệt so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế.
Kỳ vọng vào giáo dục, y tế luôn rất lớn. Ngành y tế, giáo dục phải cân đối, bảo đảm giữa kỳ vọng của người dân và khả năng của nền kinh tế; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế; quản trị các cơ sở giáo dục, y tế, thúc đẩy ở cả khu vực công và tư.
“Đặc biệt, y tế và giáo dục là những lĩnh vực mà thành tích cũng như hạn chế không thấy được ngay. Muốn có thành tích cũng phải nhiều năm, những bất cập thì cũng nhiều năm mới bộc lộ, khi bộc lộ thì thường cũng mất nhiều năm mới khắc phục được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Về các biện pháp giải quyết điểm nghẽn cho 2 ngành này, trong đó có liên quan tự chủ y tế và giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất khó khăn, dù đã có kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
Sau 30 năm, đã giảm từ 10 nghìn doanh nghiệp Nhà nước xuống còn dưới 1.000, và có đến hơn 700 nghìn doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp về cơ bản không giảm về biên chế. Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề đặt ra là phải quản trị tốt các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học, bệnh viện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra kinh nghiệm tốt của thế giới có thể áp dụng vào thực tế nước ta, đó là quản trị bệnh viện và trường học phải xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, phát huy tính chủ động, sáng tạo từ cơ sở, từ đó được quyền tự chủ về bộ máy, nhân sự, đầu tư, thu và chi.
“Vì chúng ta thiếu kinh phí, nên đã lấy tài chính làm yếu tố đầu tiên. Nếu lo hết được chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ hoàn toàn, và nếu ở mức thấp hơn không lo được đầu tư, chỉ chi được thường xuyên thì cũng tự chủ được”, Phó Thủ tướng phân tích.
Bày tỏ cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu đầy đủ, rà soát lại hệ thống pháp luật để có sự đổi mới căn bản hơn, giải quyết dứt điểm các vấn đề trong dài hạn, tạo tiền đề phát triển lâu dài.
Gửi phản hồi
In bài viết