Muôn nẻo vào đời

- Năm học 2020 - 2021 sắp kết thúc, các em học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời. Chính vì thế, công tác hướng nghiệp, phân luồng, giúp học sinh lựa chọn đúng ngành nghề thực sự cần thiết, quyết định đến tương lai mai sau.

 Lựa chọn nào “trải bước trên hoa hồng”

Hằng năm cứ vào dịp chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT là học sinh lớp 12, phụ huynh lại có những cuộc “đấu trí” để chọn trường cho mình và cho con em mình. Có những bậc phụ huynh muốn con thi vào trường này, trường kia mà không quan tâm  đến nguyện vọng của con; cũng có những học sinh băn khoăn đến “phút chót” mới điều chỉnh hồ sơ dự thi…

Anh Nguyễn Văn Hà ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) có con đang học cuối cấp THPT với kết quả học tập thuộc khá tốt. Vợ anh thì muốn con theo nghề mẹ thi Sư phạm, anh lại muốn con đi học Y nhưng con gái anh lại muốn học ngành Báo chí. Anh Hà chia sẻ, mỗi người một ý nhưng sau nhiều lần bàn bạc, thống nhất cuối cùng con gái anh đã lựa chọn thi vào ngành Sư phạm.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp vì chọn trường, chọn nghề mà xảy ra bất hòa trong gia đình giữa bố mẹ và con cái dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khiến học sinh chán trường, có khi rơi vào trầm cảm. Do vậy các gia đình, trường học phải có sự tư vấn, hướng nghiệp kịp thời cho học sinh trước ngưỡng cửa của cuộc đời.  

Như đối với em Đặng Thị Ngọc Châm, lớp 12C trường THPT Trung Sơn (Yên Sơn), gia đình thuộc hộ nghèo nên việc đi học đại học “dài hơi” là không thể, trong khi lực học của Châm cũng chỉ thuộc diện trung bình. Sau khi được các thầy, cô tư vấn, Châm quyết định chọn học xong THPT sẽ đi học nghề. Châm cho biết qua tìm hiểu em nhận thấy, tỷ lệ có việc làm sau học nghề cao hơn so với học đại học trong khi đó chi phí lại đỡ tốn kém hơn nhiều. Học sinh thuộc hộ nghèo đi học nghề còn được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền học phí nên cũng đỡ một khoản đáng kể.

Học sinh trên địa bàn huyện Hàm Yên tìm hiểu học nghề, việc làm tại Phiên giao dịch việc làm tổ chức năm 2020.

Việc lựa chọn ngành nghề học tập không phù hợp, hoặc vẫn còn tư tưởng “làm thầy hơn làm thợ” sẽ dẫn đến những lựa chọn sai lầm khi ấy sinh viên học xong ra trường không xin được việc làm. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng trên 200 nghìn sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra không xin được việc làm, số sinh viên ra trường làm việc trái ngành nghề chiếm hơn 60%...

Có muôn vàn lý do khiến các sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng mà không thể xin được việc làm. Song nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sinh viên chưa có sự lựa chọn nghề nghiệp hợp lý, thiếu kiến thức thực tế để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó tư tưởng “làm thầy hơn làm thợ”  của phụ huynh và học sinh vẫn còn nên cố thi, cố học để rồi dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Nhiều trường đại học tuyển sinh theo số lượng mà không quan tâm đến cần đầu ra cho sinh viên, có sinh viên sau khi tốt nghiệp THPT nhận được 3, 4 giấy mời đi học của các trường.

Tăng cường tư vấn, hướng nghiệp

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông giúp nâng cao tỷ lệ học viên, sinh viên ra trường có việc làm, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 136 năm 2019 triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục Phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, có ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đào tạo trình độ trung cấp nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên kết hợp đào tạo nghề với học văn hóa; phấn đấu có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo trình độ cao đẳng nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 80% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục nghề nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh…

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường hoạt động giáo dục tư vấn, hướng nghiệp, lồng ghép các hoạt động ngoại khóa có nội dung tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Tại các cơ sở giáo dục Trung học, việc tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, nhất là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian gần đây đã được quan tâm với nhiều hình thức tổ chức như: Mời đơn vị đào tạo nghề đến tuyên truyền, tổ chức ngày hội tư vấn, ngoại khóa thực tế nghề nghiệp tại doanh nghiệp trên địa bàn…

Cô giáo Trần Thị Lâm Hào, Hiệu trưởng trường THPT Kim Bình (Chiêm Hóa) cho biết, trong năm học 2020 - 2021 nhà trường thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh toàn trường. Đối với học sinh lớp 12, trường phân công giáo viên gặp gỡ từng em để qua đó tư vấn các em lựa chọn phù hợp bởi lựa chọn ngành nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp các em thành công ở tương lai.

Từ hoạt động tư vấn, tuyển sinh đã giúp học sinh lựa chọn được hướng đi cho tương lai. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh có hơn 8.700 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó tỷ lệ đăng ký thi xét tốt nghiệp để đi học nghề, hoặc đi làm ngay chiếm phần lớn, thể hiện sự lựa chọn của học sinh đã ngày càng thực tế với nhu cầu xã hội hiện nay.

Việc thường xuyên tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp học sinh chọn được ngành nghề phù hợp cho tương lai, giảm tình trạng học xong không xin được việc làm. Bên cạnh đó, thì các cơ sở đào tạo nghề cũng cần mở các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, tránh đào tạo ồ ạt lấy chỉ tiêu để tránh lãng phí đồng thời còn góp phần tạo nên sự phát triển ổn định của xã hội.


Ông Nguyễn Thanh Hà
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang

Nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu xã hội để thu hút học viên. Cùng với đó chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số ngành nghề mới như Kinh doanh thương mại, Chăn nuôi thú y, Quản lý kinh doanh nông nghiệp... Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường gắn bó với nghề và có việc làm ổn định đạt trên 85%. Dự kiến trong năm học sắp tới, nhà trường sẽ tuyển sinh trên 750 học viên trình độ Trung cấp và Cao đẳng. 


Thầy giáo Lâm Đình Hưng
Hiệu trưởng Trường THPT Chiêm Hóa (Chiêm Hóa)

Để giúp học sinh lựa chọn đúng ngành nghề trong tương lai, đầu mỗi năm học, nhà trường thực hiện khảo sát nắm bắt nhu cầu lựa chọn nghề. Trên cơ sở lựa chọn của học sinh, nhà trường xây dựng kế hoạch phân chia lớp học, theo năng lực học sinh. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh học sinh tư vấn, hướng nghiệp cho các em. Đây là cơ sở để trường xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp, cũng như đẩy mạnh công tác tư vấn, thông tin tuyển sinh, hướng nghiệp theo nguyện vọng, năng lực của học sinh.


Bà Nguyễn Thị Minh
Thôn Tân Thịnh, xã Phúc Ứng (Sơn Dương)

Việc định hướng nghề nghiệp cho các con đang học THPT là rất cần thiết, giúp các con có cái nhìn đúng về nghề nghiệp lựa chọn, phù hợp với năng lực, sức khỏe, điều kiện gia đình, tránh chạy theo tâm lý đám đông, sở thích nhất thời. Tôi đã định hướng cho con gái chọn các trường phù hợp với năng lực của bản thân, không áp đặt con phải thi vào trường đại học khó, có điểm chuẩn cao. Với năng khiếu, sở trường về hội họa, con tôi đã đăng ký thi tuyển vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Hiện tại, con gái tôi đang tập trung ôn luyện để đạt kết quả cao trong kỳ thi tới.


Em Vũ Hoàng Thành Nam
Lớp 10A6, Trường THPT Tân Trào

Bắt đầu từ khi vào học lớp 10, em đã được bố mẹ, ông bà và thầy cô định hướng chọn nghề cho tương lai. Nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn với định hướng nghề nghiệp cho chúng em, giúp em hình thành ý thức nghề nghiệp từ sớm. Em học nghiêng về khối C, nên bố mẹ em định hướng cho em sau này đi làm nhà báo hoặc luật sư. Em rất thích hai nghề này nên nỗ lực học tập từ bây giờ. Hiện tại, em vào các trang mạng uy tín tìm hiểu các ngành học của Trường Đại học Luật và Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội để bắt đầu hành trình chinh phục giấc mơ. Em tự tin vì được gia đình, nhà trường định hướng nghề nghiệp từ sớm, đây là yếu tố quan trọng để em vững bước vào đời.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục