Nhọc nhằn nghề nông
Nhiều năm trồng dưa lê, chưa năm nào ông Hà Văn Bình, 58 tuổi, thôn 6, xã Trung Môn (Yên Sơn), lại chứng kiến cảnh nắng nóng bỏng rát như năm nay. Nhưng “nắng cho dưa, mưa cho lúa”, cây dưa chịu nắng, trời càng nắng to dưa càng dễ phát triển và cho quả ngọt. Vì thế, dù nắng như đổ lửa, mỗi ngày ông Bình cùng vợ làm việc dưới ánh mặt trời từ sáng đến trưa để chăm sóc thu hoạch dưa. Ông bảo: “Vào dịp nắng nóng như thế này, dưa bán khá được giá, chúng tôi phải thu hoạch nhanh chóng để phục vụ nhu cầu người dân”. Ông Bình nói rồi kéo chiếc áo đã bạc màu lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt.
Thời tiết mùa hè khắc nghiệt là vậy nhưng trên những đồi chè nhiều bà con vẫn đang ngày ngày miệt mài “dãi nắng” để thu hoạch chè. Anh Trần Văn Bình, thôn Cây Sấu, xã Hợp Thành (Sơn Dương) cho biết, thời tiết nắng nóng cực đoan, tuy nhiên may mắn là mấy ngày trước có vài trận mưa nên tình trạng khô hạn không xảy ra. Thời điểm này thời tiết khá nắng nóng và oi bức, anh huy động thêm 2 nhân công nữa thu hoạch chè để kịp thời xuất bán.
Những công nhân vệ sinh môi trường làm việc dưới thời tiết nắng nóng mùa hè.
Tại các vùng rau ở Chiêm Hóa, nông dân vẫn phải nỗ lực tìm mọi cách chống nóng cho cây trồng nhằm giảm tối đa thiệt hại. Bà Đỗ Thị Thủy, tổ dân phố Vĩnh Bảo, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm canh tác rau màu, nhưng chưa khi nào tôi bớt lo lắng mỗi khi thời tiết nắng nóng, oi bức. Nhất là đợt cuối tháng 4, đầu tháng 5, nắng nóng như thế, mình còn héo chứ nói gì đến rau...”.
Làm việc cả ngày dưới nắng, nhưng biện pháp chống nắng của nông dân ở các nơi cũng khá đơn giản. Chị Ma Thị Nhường, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) chia sẻ, đợt này bà con trong hợp tác xã thu hoạch dưa chuột, dưa hấu. Nông dân như chúng tôi cũng chẳng có biện pháp chống nắng nào khác ngoài uống thật nhiều nước và trang bị mũ nón, quần áo dài trước khi ra đồng. Một số bà con để tránh nóng đã tranh thủ dậy sớm thu hoạch và cuối giờ chiều rủ nhau ra đồng để thu hái.
“Đội” nắng mưu sinh
Trưa hè tháng 5, xe cộ vơi dần, đường phố cũng buồn hơn vì vắng người qua lại. Ấy vậy mà trên khắp các nẻo đường, vẫn dễ dàng bắt gặp những con người đang “đội” nắng làm việc.
Khoảng thời gian gần trưa cho tới đầu chiều, nhiệt độ ngoài trời ở mức cao nhất. Thế nhưng để mưu sinh, những nhân viên giao hàng (shipper) vẫn phải “đội” nắng chạy xe trên khắp các tuyến đường để giao hàng.
Những người bán hàng rong mưu sinh dưới cái nắng mùa hè.
Do phần lớn khách hàng không thể nhận hàng vào khung giờ hành chính nên thường hẹn tranh thủ lấy hàng lúc giờ nghỉ trưa. Vì vậy, mùa đông cũng như mùa hè, hầu như nhân viên giao hàng không có giờ nghỉ trưa. Anh Nông Văn Nam, nhân viên giao hàng của App Hỏa Tốc 24/7 cho biết: “Mỗi ngày tôi đều làm việc từ đầu giờ sáng đến khoảng 2 giờ chiều mới nghỉ để ăn vội bữa trưa và chuẩn bị hàng hóa đi giao vào buổi chiều. Vào mùa nắng nóng, người dân đều ngại ra đường, lượng đơn mỗi ngày đều tăng cao. Đến các cửa hàng ăn uống vào khung giờ này hầu như đều có nhiều shipper ngồi đợi lấy đơn. Còn trẻ khỏe, mình phải tranh thủ làm việc có đồng tiền tích lũy cho gia đình”.
Mưu sinh bằng nghề kinh doanh hoa quả vỉa hè theo mùa vụ, bà Nguyễn Thị Thơ, tổ 8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Mấy tuần trước, ngồi bán nước mía, nước dừa, trà đá liên tục, nhiều giờ liền dưới cái nóng khiến bà Thơ nhiều lúc bị say nắng với các biểu hiện như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Sau khi phải nghỉ ốm ở nhà ít hôm, sốt ruột vì không có thu nhập trang trải sinh hoạt, bà trở lại công việc bán hàng. Khách hàng chủ yếu là các shipper, học sinh, công nhân…
Bà bảo, dù đã có thâm niên và kinh nghiệm chống nắng khi làm việc dưới thời tiết mùa hè nhưng trong những ngày đầu hè đã nắng nóng đỉnh điểm. Trên ti vi có thông báo, năm nay đặc biệt là đợt những ngày cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 là nắng kỷ lục nhất trong vòng 11 năm qua.
Trốn nắng dưới mái hiên của ngôi nhà ven đường, ông Phạm Văn Tạo, xóm 5, xã Trung Môn (Yên Sơn), liên tục lau mồ hôi. Ông Tạo làm nghề chạy xe ôm ở khu vực Bến xe Tuyên Quang gần 5 năm nay. Ông cho biết: “Thời tiết nắng nóng, nhưng tôi cũng chẳng dám nghỉ, vì những khách quen khi không thấy mình sẽ đi xe khác, mất mối. Trời nắng quá, khách đi xe ôm cũng ít, chủ yếu là họ đi taxi. Lúc vắng khách, tôi thường núp dưới những bóng cây, mái hiên... cho đỡ nóng, có khách gọi lại đi tiếp”.
Dù nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng anh Lê Ngọc Tài và các công nhân vẫn kiên trì làm việc tại công trình xây dựng Trụ sở Phòng Cảnh sát cơ động Tuyên Quang, tổ 3, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang). Hai tháng nay, anh Tài không nghỉ ngày nào. “Tôi bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng, phơi nắng nhiều giờ liền có lúc cũng mệt, nhưng vì trách nhiệm công việc nên vẫn phải cố gắng”, anh chia sẻ.
Các công nhân nỗ lực thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn Tổ dân phố Đồng Bàng thị trấn Tân Yên (Hàm Yên).
Thời tiết thay đổi thất thường nhưng tại công trường thi công xây dựng tại các công trình trọng điểm khí thế làm việc vẫn miệt mài, hăng say để đạt tiến độ. Tại công trường thi công xây dựng trường THPT Chuyên Tuyên Quang, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang, anh Nhữ Văn Ngọc, công nhân thuộc Công ty cổ phần Hà Đô 23 đang thi công tại công trường cho biết: “Thời tiết lúc nắng nóng gay gắt, lúc lại mưa bất chợt nên chúng tôi tranh thủ làm việc tối đa công suất, tăng tốc trên từng hạng mục dù là nhỏ nhất. Làm việc giữa lúc nắng nóng nhưng chúng tôi phải động viên nhau khắc phục vì cứ chậm một khâu là các khâu khác phải chờ nên mọi người đều có ý thức, nỗ lực cao”.
Theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang với 6 gói thầu. Thời tiết vào hè đã có những đợt nắng nóng kỷ lục thế nhưng đội ngũ công nhân vẫn làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ. Anh Đào Thế Bảo, công nhân lái máy xúc tại công trình đoạn đi qua xã Bạch Xa (Hàm Yên) vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi được nhà thầu động viên theo đúng tinh thần “vượt nắng thắng mưa, sớm đưa công trình về đích”, anh em đều đồng lòng làm việc vì mục tiêu chung đưa đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hoàn thành đúng tiến độ”.
Trên khắp các nẻo đường, hàng nghìn người lao động vẫn đang đội nắng để làm việc. Mỗi người một câu chuyện mưu sinh cho riêng mình nhưng tất cả đều luôn cố gắng, cần cù và nỗ lực vì cuộc sống phía trước.
Gửi phản hồi
In bài viết