Người dân được sơ tán khỏi Sudan. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tối 29/4 (giờ địa phương), Mỹ đã sơ tán nhóm thường trú nhân và công dân đầu tiên của nước này khỏi Sudan kể từ khi giao tranh nổ ra ở thủ đô Khartoum của quốc gia Bắc Phi này vài tuần trước.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết một đoàn xe do nước này bố trí chở công dân Mỹ, nhân viên địa phương và công dân của các quốc gia đồng minh đã đến cảng Sudan bên bờ Biển Đỏ ngày 29/4.
Tuyên bố của bộ trên có đoạn: "Chúng tôi đang hỗ trợ công dân Mỹ và những người khác đủ điều kiện đi tiếp tới Jeddah, Saudi Arabia, nơi có thêm nhân viên Mỹ được bố trí để hỗ trợ các dịch vụ lãnh sự và khẩn cấp."
Tuyên bố không nói rõ có bao nhiêu người trong đoàn nhưng nói rằng hàng trăm người Mỹ đã rời khỏi Sudan, ngoài các nhà ngoại giao đã rút khỏi đây bằng cầu không vận do quân đội chỉ huy cách đây một tuần.
Trong khi đó, kênh Fox News (Mỹ) đưa tin hoạt động sơ tán trên bộ nói trên bắt đầu diễn ra từ ngày 28/4 với nỗ lực đưa một nhóm lớn người Mỹ đến Biển Đỏ qua cảng Sudan.
Fox News dẫn lời các quan chức tiết lộ rằng máy bay không người lái được vũ trang đã thực hiện giám sát khi một đoàn xe buýt chở 200-300 người Mỹ di chuyển trên quãng đường 500 dặm (804,7km).
Hôm 28/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết gần 5.000 người đã liên lạc với cơ quan này với nguyện vọng rời khỏi Sudan.
Giao tranh dữ dội giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã bắt đầu từ giữa tháng Tư.
Ngày 27/4, hai bên đối địch đã nhất trí kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 3 ngày sau cuộc hòa giải do Mỹ, Saudi Arabia, Liên minh châu Phi và Liên hợp quốc dẫn đầu nhằm đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài hơn.
Tuy nhiên, ngày 28/4, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở Sudan bất chấp việc quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã nhất trí gia hạn thỏa thuận ngừng bắn.
Khói đen bao trùm thủ đô Khartoum đang chìm trong những trận giao tranh mới. Liên hợp quốc cũng báo cáo về những cuộc giao tranh khốc liệt ở vùng Darfur khiến nhiều người thiệt mạng.
Theo Bộ Y tế Sudan, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và gần 4.200 người bị thương trong cuộc giao tranh này và con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Hiệp hội các bác sĩ Sudan đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế "đang cận kề" với hơn 12.000 bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì không thể chạy thận nhân tạo thường xuyên.
Cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết chỉ 16% cơ sở y tế ở Khartoum vẫn hoạt động bình thường, khiến hàng triệu người không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Giao tranh cũng đã lan rộng khắp Sudan, đặc biệt là ở khu vực Darfur vốn bất ổn từ lâu, nơi các nhân chứng cho biết xung đột và vấn nạn cướp bóc bùng phát mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết