Người di cư ngủ trên boong của tàu cứu hộ “Ocean Viking” trên biển Địa Trung Hải ngày 6/11/2022
(Ảnh: SOS Mediterranee/ REUTERS)
Thông báo của Bộ Ngoại giao Tunisia cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Nabil Ammar gặp Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ Ylva Johansson đang ở thăm thủ đô Tunis. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Tunisia và nước láng giềng Libya là điểm xuất phát của phần lớn các chuyến tàu chở người di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải vào các nước EU.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ammar nêu bật sự ủng hộ của châu Âu đóng vai trò quan trọng giúp Tunisia thực hiện các cải cách kinh tế-xã hội trong nước và thiết lập một mô hình phát triển toàn diện, công bằng để quản lý tốt hơn các thách thức chung, trong đó có vấn đề di cư. Quan chức Tunisia nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề di cư theo hướng tiếp cận toàn cầu dựa trên sự bảo đảm cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội với thúc đẩy các kênh di cư hợp pháp, như ngăn chặn nạn buôn người và di cư bất hợp pháp.
Ủy viên châu Âu Johansson tái khẳng định sự đoàn kết của EU với Tunisia và cam kết bền vững của châu Âu trong việc ủng hộ quốc gia Bắc Phi này trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội. Bà Johansson nhấn mạnh lại cam kết của EU trong việc giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp bằng cách thúc đẩy các hoạt động đào tạo nghề mới và các cơ hội việc làm, cũng như tăng cường nỗ lực chung chống buôn người và di cư trái phép.
Liên quan vấn đề người di cư, Chính phủ Libya cho biết, giới chức sở tại đã bắt giữ một nhóm 21 người di cư trái phép ngoài khơi thành phố Garrabulli, cách thủ đô Tripoli 55 km về phía đông. Lực lượng chức năng phát hiện nhóm người trên tại một căn nhà được sử dụng cho hoạt động nhập cư bất hợp pháp ở Garrabulli. Nhóm này gồm các công dân Bangladesh, Pakistan, Ai Cập và Ấn Độ.
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Libya giải cứu 61 người di cư trái phép, đồng thời phát hiện thi thể 11 người, trong đó có một trẻ em, ngoài khơi Garrabulli. Kể từ đầu năm đến nay, giới chức Libya giải cứu hoặc bắt giữ 4.335 người di cư trái phép. Tổ chức Di trú Quốc tế cho biết, trong cùng kỳ, 310 người di cư trái phép thiệt mạng và 227 người mất tích trên Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Libya.
Gửi phản hồi
In bài viết