Thái Lan và Trung Quốc sẽ tăng cường sử dụng nội tệ trong các giao dịch xuyên biên giới. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)
Theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) Sethaput Suthiwartnarueput, BoT và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có các cuộc thảo luận tăng cường hợp tác để khuyến khích doanh nghiệp hai nước sử dụng đồng bạt và đồng nhân dân tệ để thanh toán trong các giao dịch thương mại giữa hai nước. Dự kiến, trong tháng tới, BoT sẽ gặp gỡ phía Trung Quốc để trao đổi thêm về vấn đề này.
Năm 2021, Ngân hàng trung ương của Thái Lan và Trung Quốc đã gia hạn Thỏa thuận Hoán đổi tiền tệ song phương (BSA) với mục tiêu thúc đẩy thương mại và đầu tư bằng nội tệ và tăng cường hợp tác tài chính giữa hai nước. BSA cũng sẽ thúc đẩy niềm tin của khối tư nhân hai nước trong việc sử dụng nội tệ cho các hoạt động xuyên biên giới.
Trong khuôn khổ thỏa thuận thanh toán nội tệ, BoT cũng sẽ hợp tác với Bộ Tài chính Nhật Bản, Ngân hàng Negara của Malaysia và Ngân hàng Indonesia hỗ trợ việc sử dụng các đồng tiền trong khu vực cho các giao dịch, đầu tư và chi trả cá nhân nội khối ASEAN.
Ông Sethaput cho biết, gần đây đồng bạt Thái Lan đã có sự dao động đối với đồng đô la Mỹ do định hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Mặc dù sự biến động của đồng bạt cao hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực dựa trên các yếu tố bên ngoài, nhưng mức độ vẫn duy trì ở mức trung bình so với các loại tiền tệ khác. Ông nhận định sự dao động này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.
Theo dữ liệu của BoT, đồng bạt Thái Lan đã xuống tới mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (38,46 bạt/USD) vào tháng 9/2022, so với mức cao nhất 29,77 bạt/USD được ghi nhận vào tháng 12/2020.
Ông Sethaput cho rằng bất chấp sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc sau khi nước này mở cửa, rủi ro cao hơn từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và sự suy thoái của kinh tế Mỹ, đã gây thiệt hại cho xuất khẩu của Thái Lan
BoT dự báo kim ngạch xuất khẩu Thái Lan trong nửa đầu năm 2023 sẽ sụt giảm 7,1% so cùng kỳ năm trước, tuy nhiên sẽ tăng 4,2% trong nửa cuối năm. Do mối liên kết chặt chẽ giữa nền kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, các chính sách tự lực của Trung Quốc có thể khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Gửi phản hồi
In bài viết