Làn sóng Omicron cho thấy các loại vaccine vẫn có thể bảo vệ người dân khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong
ngay cả khi các biến thể mới xuất hiện. (Ảnh: Reuters)
Kế hoạch này được đưa ra khi ngày càng có nhiều bang tại Mỹ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình số ca mắc mới tính theo ngày trong vòng 7 ngày đã giảm 40% so tuần trước đó, trong khi trung bình số ca nhập viện hằng ngày giảm 28% và trung bình số ca tử vong hằng ngày cũng giảm 9%.
"Chúng ta đang tiến tới thời điểm Covid-19 không còn là cuộc khủng hoảng mà sẽ là loại bệnh chúng ta có thể phòng tránh và điều trị. Tổng thống và nhóm ứng phó Covid-19 của chúng tôi đang tích cực lên kế hoạch cho tương lai", Điều phối viên chống dịch Covid-19 của Nhà trắng Jeff Zients phát biểu ý kiến trước các phóng viên.
"Ưu tiên cao nhất và trước hết của chúng tôi là chống lại biến thể Omicron. Chúng tôi sẽ đồng thời chuẩn bị cho tương lai", ông Zients nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp báo nêu trên, Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết, cơ quan này đang đánh giá hướng dẫn mới về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có hướng dẫn về thời điểm nên đeo khẩu trang. Bà Walensky cho rằng năng lực của bệnh viện sẽ là một chỉ số quan trọng.
CDC hy vọng nhiều hướng dẫn đã qua rà soát sẽ được ban bố vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới, tức là vào khoảng thời gian quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại một số bang được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, bà Walensky lưu ý người dân vẫn phải đeo khẩu trang trong một số trường hợp như có triệu chứng mắc Covid-19, đang trong thời gian 10 ngày sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19 hoặc sau khi tiếp xúc với người mắc Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia tại châu Mỹ cần rút ra bài học từ làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron và sẵn sàng hành động nhanh chóng khi làn sóng khác xuất hiện.
Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne phát biểu ý kiến tại một cuộc họp báo: "Chúng ta cần kích hoạt khả năng ứng phó nhanh hơn để theo kịp tốc độ của làn sóng lây nhiễm hiện nay và đón đầu các làn sóng của loại virus lây lan rất nhanh và rất nguy hiểm này trong tương lai".
"Các công cụ mà chúng ta đã phát triển để làm chậm sự lan rộng và ngăn chặn sự lây nhiễm không còn phù hợp với kiểu lây nhiễm mới của Omicron", bà Etienne đánh giá.
Bà cho rằng có nhiều quốc gia tại châu Mỹ đã không thay đổi bất cứ biện pháp y tế cộng đồng nào để ứng phó Omicron và hậu quả là số ca nhiễm tăng dẫn tới số ca tử vong cũng tăng.
Làn sóng Omicron cho thấy các loại vaccine vẫn có thể bảo vệ người dân khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong ngay cả khi các biến thể mới xuất hiện. Do đó, các quốc gia cần nỗ lực tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt, đồng thời phải trang bị cho hệ thống y tế để ứng phó với các đợt bùng phát dịch bất ngờ trong tương lai.
Theo bà Etienne, Omicron sẽ không là biến thể cuối cùng, tương lai của đại dịch vẫn vô cùng khó đoán và biến thể mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Gửi phản hồi
In bài viết