Theo đó, các hãng ô tô sẽ phải khai báo thông qua hệ thống quản lý trực tuyến của NHTSA trong trường hợp hệ thống tự hành trên xe của họ kích hoạt trong hoặc ngay trước khi tai nạn xảy ra. Việc báo cáo cũng là bắt buộc trong các trường hợp có người tử vong, có chấn thương cần tới sự hỗ trợ của bệnh viện, xe cần cứu hộ chở đi, túi khí nổ, có liên quan tới người đi bộ hoặc người đi xe đạp.
Quy định mới của NHTSA áp dụng với toàn bộ các dòng ô tô được trang bị cơ chế tự hành từ Cấp độ 2 tới Cấp độ 5 theo chuẩn SAE (Hiệp hội Kỹ sư ô tô Mỹ). Cơ chế tự hành Cấp độ 2 kết hợp hai hoặc nhiều tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến như tự động cảnh báo chệch làn, duy trì làn đường và phanh hoặc chuyển hướng và tăng tốc, xe có thể chủ động hơn trong xử lý một số tình huống. Mặc dù tài xế có thể vận hành mà không phải chú ý nhiều ở cấp độ này, nhưng theo quy định phải “cảnh giác” để tham gia và sẵn sàng can thiệp kiểm soát. Tới nay, nhiều xe dòng ô tô đã hỗ trợ tự lái Cấp độ 2, đặc biệt là xe sang cao cấp.
Như vậy, quy định của NHTSA bao trùm hầu như mọi hãng ô tô đang hiện diện tại Mỹ, đặc biệt là xe Tesla - vốn hầu hết đều được trang bị cơ chế tự động Autopilot, cũng như xe dịch vụ của các hãng công nghệ như Waymo.
Tính năng tự hành tuy tiện dụng nhưng ẩn chưa vô vàn rủi ro nếu không vận hành trong điều kiện giao thông đủ tốt.
Cũng theo thông báo từ NHTSA, quy định mới sẽ cho phép cơ quan này thu thập những thông tin cần thiết để đảm bảo người dân được an toàn khi tham gia giao thông ngay cả khi công nghệ mới đang được triển khai trên các cung đường. Bên cạnh việc báo cáo tức thời, NHTSA cũng yêu cầu các hãng ô tô phải báo cáo tổng hợp theo từng tháng, trong đó thống kê chi tiết toàn bộ các vụ việc có xảy ra chấn thương đối với con người, có hư hại tài sản... liên quan tới tính năng tự hành.
Những công ty vi phạm quy định mới này sẽ đối mặt mức phạt lên tới 22.992 (khoảng hơn 500 triệu đồng) mỗi ngày.
Quy định mới của NHTSA được đưa ra sau khi một chiếc Tesla Model S đời 2019 gặp tai nạn trong khi không có ai ngồi sau tay lái. Điều tra của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) sau đó cho thấy người lái chỉ trở lại ghế ngồi ngay trước khi va chạm xảy ra. NTSB sau đó đã yêu cầu NHTSA phải “chấn chỉnh” các phương tiện tự hành, dẫn tới hàng loạt các động thái mạnh tay từ cơ quan này, bao gồm cả việc mở cùng lúc 30 cuộc điều tra nhằm vào các tai nạn liên quan tới xe tự hành của Tesla.
Gửi phản hồi
In bài viết