Lãnh đạo xã Khau Tinh (Na Hang) cùng với Công ty của Hàn Quốc đánh giá chất lượng cây bắp cải được trồng trên địa bàn xã.
Tính đến hết tháng 12-2020, huyện Na Hang có 1.355 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã. Trong đó, đội ngũ cán bộ cấp huyện là 1.119 người; cán bộ có trình độ chuyên môn đại học trở lên là 825 người chiếm tỷ lệ 73,72% (sau đại học 53 người, chiếm 4,735; đại học 772 người, chiếm 93,57%); trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên chiếm trên 36%. Đội ngũ cán bộ cấp xã có 236 người. Trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 70,8%, cao đẳng chiếm 3,4%, trung cấp chiếm 25,4%, chưa qua đào tạo chiếm 0,1%; trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên chiếm 94,5%.
Công tác cán bộ của huyện được thực hiện theo đúng nguyên tắc “đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ”. Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất lãnh đạo, quản lý cán bộ, tập trung dân chủ, công khai, tập thể thảo luận và quyết định theo đa số, đồng thời phát huy được trách nhiệm cá nhân mà trước hết là người đứng đầu trong công tác tổ chức, cán bộ. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chú trọng công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ. Trong 2 năm 2020, 2021, cấp huyện đã thực hiện luân chuyển 24 cán bộ; điều động, biệt phái 18 cán bộ. Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị khóa IX về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, công tác điều động, luân chuyển cán bộ gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương.
Hiện ngoài các xã Sơn Phú, Đà Vị và thị trấn Na Hang, 9 xã còn lại đều được sắp xếp, bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương. Trong đó, các đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Năng Khả, Khau Tinh, Thanh Tương, Thượng Giáp, Thượng Nông; Chủ tịch UBND xã Sinh Long, xã Hồng Thái là cán bộ huyện luân chuyển, điều động, biệt phái về xã; Bí thư Đảng ủy 2 xã Yên Hoa, Côn Lôn luân chuyển cho nhau. Chủ trương này góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, phát huy tính sáng tạo, chủ động và tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Tháng 7-2021, đồng chí Lê Hữu Thể, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện được luân chuyển, bổ nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh. Hơn 1 năm qua, trên cương vị người đứng đầu cấp ủy của xã vùng sâu, vùng xa, anh khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, tận tâm trong công việc. Đồng chí Vi Văn Lượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện bày tỏ, từ khi đồng chí Thể làm Bí thư Đảng ủy xã, Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức; thường xuyên nắm bắt tư tưởng, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2023, từ năm 2021, anh cùng tập thể Đảng ủy lãnh đạo trọng tâm về phát triển kinh tế, tăng tiêu chí về thu nhập. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của anh, xã đã kết nối, “mời gọi” được nhiều dự án phát triển kinh tế. Hiện nay, xã đã kết nối với các doanh nghiệp, vận động cán bộ công chức xã tiên phong trồng thí điểm trên 5.000 m2 cây dược liệu, vận động cán bộ công chức xã, lãnh đạo thôn, nhân dân trồng 7,5 ha cây bí đỏ.
Đồng chí Bàn Văn Khé (bên phải), Chủ tịch UBND xã Năng Khả (Na Hang) thăm mô hình kinh tế của người dân.
Bên cạnh việc lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức đảm bảo đúng tiêu chuẩn về sức khỏe, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, các cấp ủy còn lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức theo đúng quy hoạch; đảm bảo khách quan, công bằng, theo nguyên tắc tập trung dân chủ và tương xứng với yêu cầu công việc. Để làm tốt công tác này, ngay từ khâu quy hoạch cán bộ đã được thực hiện đồng bộ; mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn, quy hoạch ở cấp dưới là cơ sở cho quy hoạch ở cấp trên. Các yêu cầu về số lượng, cơ cấu ba độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số cơ bản được đảm bảo. Công tác quy hoạch đảm bảo tính kế thừa, phát triển, có sự liên thông giữa cấp trên và cấp dưới giữa các ngành, lĩnh vực công tác; từng bước nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch, đảm bảo nguồn cán bộ cho các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp trước mắt và lâu dài.
Từ một Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Chao, xã Năng Khả, đồng chí Bàn Văn Khé, dân tộc Dao được lựa chọn, bồi dưỡng, sắp xếp là cán bộ bán chuyên trách của xã. Sau gần chục năm phấn đấu, học tập hoàn thiện trình độ chuyên môn; phẩm chất đạo đức, chính trị, năm 2019, anh được sắp xếp, bổ nhiệm là Chủ tịch Hội CCB xã. Năm 2020, anh là Phó Chủ tịch UBND xã. Tháng 7-2021, anh được bổ nhiệm Chủ tịch UBND xã. Quy trình bổ nhiệm cán bộ được triển khai theo đúng 5 bước, phiếu tín nhiệm của anh Khé đạt trên 90%. Anh Khé chia sẻ, được bồi dưỡng, trưởng thành từ dưới cơ sở, anh được tôi luyện qua rất nhiều thử thách. Giờ ở cương vị chủ chốt của xã, anh sẽ không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, trình độ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Chu Đức Hoài, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy chỉ đạo nhiều giải pháp trong thực hiện tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ công chức, viên chức. Mỗi ứng viên trước khi bổ nhiệm vào các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý phải xây dựng chương trình hành động và cam kết thực hiện theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Nếu không thực hiện đúng hoặc không hoàn thành chương trình hành động như cam kết thì tiến hành điều động, bố trí, phân công công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, giai đoạn bổ nhiệm. Hàng năm, cấp ủy huyện xây dựng kế hoạch luân chuyển, tiếp nhận, điều động cán bộ; luân chuyển vị trí công tác của cán bộ lãnh đạo từ huyện xuống xã, từ xã lên huyện. Điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại 1 địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết. Đây cũng là 1 trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cấp ủy, cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở.
Gửi phản hồi
In bài viết