Phiên giao dịch việc làm là cơ hội cho người lao động tìm được công việc phù hợp.
Anh Nguyễn Quốc Luân, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, công tác tư vấn, giải quyết việc làm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhất là dịp đầu năm. Để khắc phục khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm, Phòng Lao động đã chủ động tham mưu với UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về giải quyết việc làm, triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách đến các xã, thị trấn và các đối tượng được hưởng theo quy định của Nhà nước.
Cuối tháng 5, tại trường THPT Na Hang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Na Hang, Tỉnh đoàn tổ chức Phiên giao dịch việc làm huyện Na Hang năm 2022. Tham gia có 23 đơn vị là các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh đã thu hút gần 1.000 lao động, học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện tham gia. Em Khổng Phương Thùy, học sinh lớp 12, trường THPT Na Hang chia sẻ: Là học sinh vừa tốt nghiệp THPT, em có nguyện vọng được đi làm luôn để giúp đỡ gia đình. Sau khi được tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm em có định hướng tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Cộng hòa Liên bang Đức. Làm việc ở nước Đức, lương từ 35 đến 40 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này em nghĩ là hấp dẫn đối với những lao động trẻ và mới như chúng em.
Bà Trần Thị Lệ Huyền, Giám đốc Công ty Du học Đông Hải cho biết: Mang đến chương trình giới thiệu việc làm cho người dân huyện Na Hang, Công ty Du học Đông Hải giới thiệu các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Đặc biệt là du học nghề tại Cộng hòa Liên bang Đức. Với đa dạng các ngành nghề đa dạng như chế biến thực phẩm, cơ khí, ô tô, xây dựng, điều dưỡng... lao động sẽ được miễn phí 100% học phí tại trung tâm, hỗ trợ học bổng khi có xác nhận hộ cận nghèo và nhiều chương trình ưu đãi khác. Sau khi tốt nghiệp những du học nghề sẽ được ký hợp đồng và nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp. Đây thực sự là cơ hội cho các bạn trẻ muốn thử sức với những thị trường mới.
Theo thống kê của các doanh nghệp, tổng nhu cầu tuyển dụng trong phiên giao dịch lần này có trên 4.000 vị trí việc làm và hơn 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo. Thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu tập trung ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ba Lan, các nước Châu Âu. Theo đó các chỉ tiêu tuyển dụng thuộc các ngành nghề: công nhân máy, cộng tác viên kinh doanh viễn thông, lao động phổ thông cung ứng cho các khu chế xuất, công nghiệp; tư vấn du học và xuất khẩu lao động Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức...
Một buổi tư vấn giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện Na Hang.
Xác định đào tạo nghề cho lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, UBND huyện Na Hang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp nhu cầu hiện nay, từ đó giúp người lao động sau khi học nghề dễ tìm việc làm. Việc đào tạo nghề ở Na Hang được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau. Qua đó đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số.
Anh Nông Văn Tiến, thôn Bản Cuôn, xã Yên Hoa sau khi được tham gia lớp sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Na Hang tổ chức đã đầu tư mở cửa hàng nhỏ sửa chữa nông cụ tại nhà. Không chỉ có việc làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, thời gian nhàn rỗi anh còn giúp đỡ nhiều người tại các xã xung quanh sửa chữa máy móc nông nghiệp.
Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã mở được trên 70 lớp dạy nghề nông nghiệp với 2.000 lao động tham gia học các nghề như: kỹ thuật chăn nuôi thú y, chăn nuôi lợn, kỹ thuật chăn nuôi dê, trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau hữu cơ, rau an toàn. Ông Hà Văn Lại, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang cho biết thêm, tại các lớp học nghề tại Trung tâm, ngoài việc học lý thuyết các học viên còn được đi thực tế tại cơ sở để thực hành, từ đó để người nông dân nắm chắc hơn các kiến thức được học áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế. Song song với việc tổ chức mở lớp, đào tạo nghề cho lao động, Trung tâm cũng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề nhằm đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề.
Gửi phản hồi
In bài viết