Dự án "BOT" bản làng
Anh Chúc Càn Ngài, năm nay đã gần 50 tuổi, nhưng đã có 26 năm làm cán bộ thôn, dáng vẻ nhanh nhẹn, anh kể về quê hương Nà Ngoa với sự tự hào.
Ngày xưa đường sá vào thôn khó khăn, người dân luôn trong tình trạng bị cô lập, các sản phẩm cây trồng không có đầu ra, bán cái gì cũng khó. Làm Trưởng thôn từ 1997 và được bầu làm Bí thư Chi bộ từ năm 2002, anh Ngài mang nhiều sự trăn trở về làm thế nào nâng cao đời sống của người dân. Anh kể, mình quan sát và thấy cần phải có đường thuận lợi thì mới có giao thương, nếu buôn bán trong địa bàn xã thì sẽ rất khó thoát nghèo.
Bí thư chi bộ Nà Ngoa Chúc Càn Ngài.
Là người đi đầu trong các phong trào làm kinh tế, anh Ngài vừa là cán bộ nhưng cũng là hộ khá trong thôn. Mất nhiều ngày suy nghĩ, cuối năm 2008, anh cùng 3 người bạn quyết tâm đầu tư làm con đường nối từ thôn Nà Ngoa, sang thôn Phja Mạ, xã Công Bằng, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn). Trong cuốn sổ ghi chép với những dòng chữ nguệch ngoạc, chúng tôi thấy số liệu đầy bất ngờ, con đường đất dài 8 km, 30 nhân công làm trong 1 tháng, tổng chi phí hết 53 triệu đồng.
Tôi hỏi: Vậy số tiền đấy anh đầu tư và thu lại bằng cách nào?
Anh Ngài đáp: Chúng tôi xin ý kiến chính quyền xã, có phiếu thu, có sổ sách ghi chép và cam kết thu đủ số vốn bỏ ra thì sẽ dừng lại. Con đường chỉ thu của thương lái mức giá 10.000đ/lượt và người chăn nuôi là 5.000đ/lượt, người dân đi lại thì hoàn toàn miễn phí.
Con đường khi hoàn thành anh Ngài tự hào, anh bảo như quốc lộ, người dân vui lắm, đường nối 2 thôn, 2 xã, 2 huyện và 2 tỉnh với nhau. Ngày xưa muốn đi sang Bắc Kạn đều phải men theo khe suối, từ ngày có con đường, mùa lũ bà con vẫn giao thương đi lại dễ dàng. Và cũng chỉ đến tháng 6 năm 2009, anh đã thu hồi toàn bộ vốn và con đường đã thành miễn phí cho người dân đi lại đến tận hôm nay.
Gia đình ông Triệu Càn Chiều, thôn Nà Ngoa là hộ dân duy nhất con đường chạy qua giữa thửa ruộng. Ông Chiều kể, con đường do Bí thư Ngài làm cho dân đi qua 120 m2 đất ruộng của gia đình, nhưng gia đình vui vẻ hiến đất cho cán bộ, bởi đơn giản đây là việc chung, cho cả làng, cả xã và con cháu mình mai sau cũng được hưởng. Vì vậy nên gia đình cũng hết sức tạo điều kiện để đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ.
Người dân thôn Nà Ngoa đóng góp công sức làm đường bê tông dẫn vào khu sản xuất.
Từng bước đuổi nghèo
Chỉ tay vào cánh rừng xanh, vút tầm mắt tận dãy núi cao trước mắt, anh Chúc Càn Ngài bảo, 80 ha rừng của thôn tập trung trồng tại đây, thôn Nà Ngoa giờ có nhiều cái đi đầu, trồng cây lúa 2 vụ, trồng rừng, chăn nuôi ngựa bạch...
Ngày xưa người dân Nà Ngoa chỉ canh tác lúa 1 vụ, năm 1997 sau khi lên làm Trưởng thôn đích thân anh Ngài tự mày mò, đi học trồng lúa vụ xuân, ngày đó không có ni lông, gieo mạ mấy năm thất bại, anh còn mang thử mạ tận dưới xã Thanh Tương lên trồng nhưng vẫn không thành công. Kiên trì, tự học hỏi mãi đến năm 2002, sau khi áp dụng che mạ bằng ni lông, và năm đó thửa ruộng 3 sào của gia đình đạt năng suất 2 tạ/sào, bà con khi ấy coi như thần tượng, ai cũng đồng tình và "khoác" thêm cho anh chức Bí thư Chi bộ để đưa nhân dân thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Từ khi không bị đói, nhân dân Nà Ngoa từng bước vươn lên, sẵn là gia đình có truyền thống chăn nuôi, anh Ngài đứng ra giúp 8 hộ dân vay 24 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang vào năm 2005 để mua trâu làm kinh tế. Cán bộ thôn cũng đích thân đi chọn trâu, phổ biến kinh nghiệm chăm sóc đến từng hộ dân được vay vốn.
Trong căn nhà xây kiên cố nằm tít tận sau hẻm núi, ông Triệu Dào Lưu chia sẻ, năm đó được cho vay nuôi trâu, ông tự thấy "thẹn" bởi hơn 30 tuổi gia đình vẫn còn nghèo, con cái nheo nhóc, khi được vay vốn ông quyết tâm phải làm bằng được, khó đâu hỏi đấy, đến năm 2016, ông bán 7 con trâu thu về 150 triệu đồng. Cũng nhờ số tiền đó, ông sửa nhà, làm chuồng nuôi lợn đen, mua ngựa về nuôi tại gia đình. Ông bảo, nếu không làm chắc giờ vẫn là hộ nghèo nhất của thôn Nà Ngoa.
Nhân dân thôn Nà Ngoa chủ động sản xuất cây ngô vụ đông để có thức ăn chăn nuôi.
Khắp các ngả đường của Nà Ngoa, thật không khó bắt gặp hình ảnh đàn ngựa bạch, trâu bò tung tăng gặm cỏ. Anh Ngài bảo, năm 1995, anh đã bắt đầu với con ngựa bạch cái đầu tiên và thấy có hiệu quả, anh chủ động cho một số hộ dân mượn ngựa cái để nuôi và trả ngựa con để chuyển giao cho gia đình khác.
Đến nay hơn 40 con ngựa bạch ở thôn phần lớn đều xuất phát từ gia đình. Ông Triệu Càn Nái, là hộ có 8 con ngựa bạch, nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình, ít ai nghĩ ông Nái trước đây được gọi là người "vô duyên", làm gì cũng thất bại. Năm 2017, ông được Bí thư Chi bộ cho mượn 1 con ngựa và "bén duyên" cũng từ đó. Ông Nái bảo, mình giờ không còn là hộ nghèo, đàn ngựa cũng phát triển tốt nhất xã, nhớ lại sự giúp đỡ của cán bộ ngày nào, giờ mình lại đi giúp các hộ nghèo khác có động lực vươn lên làm kinh tế.
Nà Ngoa tuy xa mà gần, con đường bê tông từ trung tâm xã cắt qua nhiều mảnh vườn của nhà dân. Anh Ngài bảo, con đường này chạy qua 12 hộ dân, thì cả 12 hộ đồng lòng hiến đất, nhớ những năm 1999, cả thôn có 37 hộ dân ai cũng cầm cuốc xẻng đi làm đường, cũng vì có cốt nền cũ nên năm 2018 khi đổ bê tông không phải hiến thêm đất, nhân dân còn hiến hàng nghìn công lao động để làm đường.
Xã Thượng Giáp là xã còn nhiều khó khăn của huyện Na Hang, Nà Ngoa cũng vậy là thôn vẫn còn nhiều khó khăn của xã. Thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 18 triệu đồng/người/ năm. Đồng chí Nguyễn Xuân Huế, Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, người dân ngoài phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi thì gần đây phong trào đi xuất khẩu lao động, làm công nhân các công ty trong nước đang được giới trẻ tham gia nhiều hơn. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đoàn kết và tinh thần "dám đi đầu" như Bí thư Chi bộ Chúc Càn Ngài thì tương lai thôn sẽ sớm thành thôn khá.
Gửi phản hồi
In bài viết