Nạn đói ở Haiti tăng lên mức báo động cao

Gần 6.000 người ở Haiti đang chết đói và gần 50% trong số 11 triệu dân của nước này đối mặt tình trạng thiếu lương thực ở mức khủng hoảng hoặc thậm chí tệ hơn.

8(1).jpg

Hàng triệu người dân Haiti, trong đó có nhiều trẻ em đang trong tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Ảnh: Daily Jang

Ngày 9-10, Phát ngôn viên Liên hợp quốc Stéphane Dujarric nhận định: "Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất về tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trên thế giới".

Số người Haiti phải đối mặt với tình trạng thiếu đói ở mức khủng hoảng khẩn cấp đã tăng thêm 1,2 triệu người trong năm qua, lên tổng cộng 5,4 triệu người.

Bạo lực băng đảng đã tàn phá cuộc sống tại Thủ đô Port-au-Prince và các khu vực lân cận cũng như gây gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa, ngăn cản người dân ra ngoài mua thực phẩm, giao hàng hóa.

Các tổ chức phi lợi nhuận cũng không thể tiếp cận những khu vực nạn đói xảy ra nghiêm trọng để cung cấp viện trợ trong khi băng đảng kiểm soát 80% Thủ đô Port-au-Prince và các con đường dẫn đến miền Bắc và miền Nam Haiti.

Có ít nhất 1.379 người được báo cáo là đã thiệt mạng hoặc bị thương, và 428 người khác bị bắt cóc trong thời gian gần đây. Ngoài ra, bạo lực băng đảng đã khiến hơn 700.000 người mất nhà cửa.

Martine Villeneuve, Giám đốc Haiti của tổ chức phi lợi nhuận Action Against Hunger, nói: "Điều này thật không tưởng. Chúng tôi không ngờ tình hình lại nghiêm trọng đến vậy". Hiện, các cơ quan lương thực nhân đạo và các tổ chức phi lợi nhuận ở Haiti cần thêm 230 triệu USD cho đến cuối năm nay.

Tốc độ “phi mã” của lạm phát cũng đã hạn chế khả năng chi trả của nhiều người Haiti. Chi phí cho thực phẩm hiện chiếm 70% tổng chi tiêu hộ gia đình.

Ngoài ra, một số khu vực của Haiti vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau trận động đất từ tháng 8-2021, các đợt hạn hán khác nhau và cơn bão Matthew đổ bộ vào Haiti với cường độ cấp 4 vào năm 2016.

Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã gia hạn cho Phái bộ an ninh đa quốc gia tại Haiti thêm 1 năm đến ngày 2-10-2025 theo đề xuất của Port-au-Prince. Phái bộ do Kenya đứng đầu nhằm hỗ trợ cảnh sát quốc gia Haiti giành lại quyền kiểm soát các khu vực do các băng nhóm kiểm soát.

Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước. Mỹ, Haiti và một số quốc gia khác đang kêu gọi Liên hợp quốc triển khai một phái bộ gìn giữ hòa bình nhằm bổ sung nguồn lực tài chính và nhân sự còn thiếu cho chiến dịch hiện tại.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục