Tây Ban Nha thúc giục Anh sớm ký thỏa thuận về đảo tranh chấp Gibraltar

- Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares đã thúc giục Anh hoàn tất thỏa thuận về quy chế của vùng lãnh thổ Gibraltar hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) trước ngày 10-11. Đây là thời điểm các biện pháp kiểm soát biên giới mới của EU có hiệu lực.

1-13-.jpg

Người đi bộ và tài xế qua biên giới từ Tây Ban Nha đến Gibraltar. Ảnh: Reuter.

"Đã đến lúc Vương quốc Anh phải nói đồng ý với một thỏa thuận cân bằng và hào phóng mà EU đã đề xuất từ lâu", Bộ trưởng Jose Manuel Albares nói với các phóng viên.

Gibraltar là vùng lãnh thổ nằm gần cực Nam bán đảo Iberia và giáp với Tây Ban Nha. Sau khi nhượng lại vùng đất này cho Anh theo thỏa thuận năm 1713, Tây Ban Nha đã nhiều lần kêu gọi trả lại vùng đất này. Quy chế của Gibraltar và cách thức kiểm soát biên giới với Tây Ban Nha đã trở thành tâm điểm bất đồng, kể từ cuộc trưng cầu ý dân tại Anh vào năm 2016 về việc rời Liên minh châu Âu. Vùng đất này không nằm trong thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU.

Ngày 31-12-2020, Tây Ban Nha, Anh và EU nhất trí rằng trong thời gian chờ đợi giải pháp lâu dài, Gibraltar sẽ vẫn là một phần trong các thỏa thuận của EU như khu vực Schengen và Tây Ban Nha sẽ kiểm soát cảng và sân bay. Ủy ban châu Âu và Tây Ban Nha đã gửi cho Anh một đề xuất, gồm mở cửa biên giới trên đất liền của Gibraltar với Tây Ban Nha vào cuối năm 2022 và đảm bảo người dân được tự do qua lại.

Đến nay, 19 vòng đàm phán đã diễn ra nhằm đạt thỏa thuận đảm bảo người và hàng hóa có thể tiếp tục di chuyển qua lại giữa Gibraltar và Tây Ban Nha. Trong một tuyên bố hai bên đưa ra hồi tháng 4, các quan điểm chính trị chung đã được nhất trí, trong đó có hoạt động di chuyển, sân bay và hàng hóa.

Tuy nhiên, sau khi đảng Lao động Anh lên nắm quyền vào tháng 7, các cuộc đàm phán rơi vào im lặng và không đạt bất kỳ tiến triển nào kể từ đó.

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết, mặc dù hệ thống kiểm soát biên giới mới của EU không liên quan gì đến thỏa thuận Gibraltar, nhưng nó sẽ tác động đến hàng nghìn người ở cả hai bên biên giới.

"Chúng tôi đề xuất đưa Gibraltar vào khu vực Tự do đi lại châu Âu (Schengen), nhưng tùy thuộc vào Anh quyết định xem họ có thích điều đó hay không”

Từ ngày 10-11-2024, EU có kế hoạch giới thiệu Hệ thống nhập cảnh/xuất cảnh (EES) -một hệ thống biên giới kỹ thuật số mới áp dụng đối với công dân ngoài EU đi du lịch đến khu vực Schengen.

EES sẽ loại bỏ yêu cầu đóng dấu hộ chiếu thủ công tại biên giới bên ngoài EU. Thay vào đó là tạo hồ sơ kỹ thuật số liên kết tài liệu du lịch với danh tính của một người bằng cách sử dụng sinh trắc học.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục