Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe

- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe, thời gian qua, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư đồng bộ các trang thiết bị hiện đại, áp dụng thực hiện đồng bộ vào quá trình giảng dạy các môn lý thuyết, thực hành. Qua đó, tạo tính minh bạch, giúp cơ quan Nhà nước quản lý từ xa, đánh giá đúng trình độ học viên trong quá trình đào tạo trước khi sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang lắp đặt 2 cabin điện tử phục vụ nhu cầu học lái xe của người học.

Là một trong những đơn vị đào tạo lái xe uy tín, chất lượng trên địa bàn tỉnh, những năm qua, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang luôn có đông học viên đăng ký học lái xe với khoảng 1.000 người/năm. Trường hiện đào tạo lái xe ô tô các hạng B1, B2 và C. Để thu hút được học viên trong và ngoài tỉnh, trường đã linh hoạt, đổi mới về thời gian, chương trình đào tạo. Trường đã lắp đặt thiết bị DAT trên 100% xe tập lái cho phép hiển thị thông tin và thông báo trạng thái hoạt động bằng âm thanh và được kết nối máy chủ trạng thái đăng nhập, đăng xuất của giáo viên, học viên; lắp đặt 2 cabin điện tử; đầu tư nâng cấp hệ thống máy tính đảm bảo cho học viên thực hành các bài học lý thuyết, mô phỏng.

Ông Đinh Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đào tạo 5 lớp lái xe ô tô với tổng số 550 học viên; 32 lớp đào tạo xe mô tô với 2.826 học viên. Tỷ lệ thi sát hạch với lái xe ô tô các hạng đạt từ 70% trở lên. Việc áp dụng các trang thiết bị, phần mềm hiện đại vào quá trình đào tạo đã giúp học viên nâng cao tay nghề, được xử lý nhiều tình huống thực tế hơn.

Thực hiện nghiêm những quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chống tiêu cực trong lĩnh vực này, Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe Tâm Anh, xã Chân Sơn (Yên Sơn) đã không ngừng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm cho biết, cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị đến nay cơ bản được đầu tư đồng bộ.

Từ năm 2022, Trung tâm đã lắp đặt 4 cabin học lái, đặt thiết bị DAT trên 100% phương tiện xe ô tô tập lái, mua thêm 30 xe mới các loại (gồm xe 5 chỗ và xe tải chuyên dụng phục vụ tập lái). Trung tâm đã đưa vào sử dụng thiết bị giám sát bằng vân tay, nhận diện khuôn mặt để điểm danh học viên, đảm bảo học viên phải tham gia đầy đủ thời gian học lý thuyết và thực hành lái xe trên đường mới đủ điều kiện thi.  

Học viên học lái xe tại Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang quét vân tay để điểm danh trong quá trình học.

Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở đào tạo lái xe ô tô. Đến nay, các cơ sở đã đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đồng bộ, hiện đại như đưa phần mềm mô phỏng, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe, cabin điện tử vào giảng dạy. Đặc biệt, thiết bị DAT được các cơ sở lắp đặt trên các phương tiện dạy thực hành lái xe ô tô được đánh giá là khâu chuyển đổi số then chốt. Các kỳ thi sát hạch được áp dụng thiết bị, công nghệ tự động cùng hệ thống camera trong toàn bộ khâu từ thi lý thuyết đến thi thực hành lái xe nhằm bảo đảm việc đào tạo, sát hạch diễn ra nghiêm túc và chất lượng; phần mềm sát hạch lái xe được kết nối, truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở đào tạo lái xe hiện vẫn còn một số khó khăn. Theo ông Đinh Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, khi học viên thực hành lái xe trên đường (có giám sát từ thiết bị DAT) có hiện tượng mất tín hiệu đường truyền nên nhiều khi không lưu trữ được dữ liệu; hệ thống camera của thiết bị DAT nhiều khi không nhận diện được học viên khi trời nắng dẫn tới việc học viên phải học bổ sung gây tốn kém cho cả người học và cơ sở đào tạo. Với phần mềm học mô phỏng, học viên phải thực hiện các tình huống nguy hiểm theo ý của người lập trình vì vậy người học phải ghi nhớ như học thuộc bài chứ chưa thể xử lý theo phản xạ thực tế; việc đầu tư cabin điện tử khá cao dẫn đến khó khăn cho các cơ sở trong việc trang bị đủ cabin để đáp ứng nhu cầu học của học viên…

Chuyển đổi số trong đào tạo, sát hạch lái xe dù còn nhiều khó khăn song quá trình chuyển đổi đã góp phần tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đào tạo, giúp học viên được tiếp cận một cách toàn diện cả về mặt lý thuyết và thực hành. Qua đó không chỉ khẳng định chất lượng của các cơ sở đào tạo lái xe mà còn ngăn ngừa các hành vi vi phạm, gian lận trong quá trình dạy và học, đảm bảo người học vững tay lái và kiến thức khi tham gia giao thông.

Bài, ảnh: Thuý Nga

Tin cùng chuyên mục