Người dân xã Xuân Lập (Lâm Bình) sử dụng nước sạch sinh hoạt từ dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.
Niềm vui có nước sạch
Người dân một số thôn vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Bình thường sử dụng nước khe, suối để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Vào ngày thời tiết hanh khô, ít mưa, những con suối trở nên cạn kiệt, nguồn nước không đủ dùng người dân phải ra suối để xách nước về sinh hoạt. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương, đặc biệt sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào các DTTS, nhiều dự án, công trình cấp nước sạch sinh hoạt, hợp vệ sinh được ưu tiên đầu tư.
Đồng chí Giàng Xuân Dính, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thời gian qua, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi xã Xuân Lập được ưu tiên đầu tư các dự án nước sạch đảm bảo nguồn nước sử dụng cho người dân trên địa bàn xã. Từ đó, giúp người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Chuyển ra ở riêng, vợ chồng chị Vàng Thị Hòa, thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập thuộc diện hộ nghèo. Không có điều kiện mua téc chứa nước gia đình chị dẫn nước từ công trình nước sinh hoạt chung của cả thôn về dùng trực tiếp trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên công trình nước sạch lâu ngày xuống cấp không đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt trong mùa khô, còn những ngày mưa lũ nước đục không thể sử dụng được gia đình phải đi xách nước sạch về dùng cho sinh hoạt. Từ chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán gia đình chị được hỗ trợ téc đựng nước bằng tôn loại 1,5 m3. Chị Hòa nói “Có téc tích trữ nước, từ nay gia đình không lo thiếu nước sạch sinh hoạt nữa”.
Cùng chung niềm vui nhận téc nước từ chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, anh Bàn Đức Kiên, tổ dân phố Khau Quang, thị trấn Lăng Can chia sẻ, có téc chứa nước gia đình không phải sử dụng xô, chậu để chứa nước nữa, nước sinh hoạt sẽ được đưa vào téc tích trữ dùng dần, nguồn nước đảm bảo vệ sinh hơn.
Dân cư thưa thớt, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn nên việc lắp đặt hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt từ các công trình nước sạch tập trung cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi còn gặp nhiều trở ngại. Việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ nước sạch cho người dân.
Đẩy nhanh hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán
Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán hiện ưu tiên cho người dân tộc ở vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh nằm trong dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/hộ (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 1 lần).
Thực hiện theo mục tiêu của chương trình, trong năm 2022 huyện có 131 hộ được hỗ trợ téc nước, tổng kinh phí 393 triệu đồng và năm 2023 có 1.438 hộ được hỗ trợ téc nước, tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lâm Bình cho biết, căn cứ vào nhu cầu và việc bình xét đối tượng thụ hưởng có đơn đề nghị hỗ trợ, Phòng Dân tộc tham mưu huyện hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng. Hiện nay, hầu hết các dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đều giao cho xã là chủ đầu tư.
Những năm trở lại đây, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Lâm Bình có bước phát triển; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Trong đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch tăng lên nhờ các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sạch tập trung, bể chứa nước sạch, hỗ trợ téc, lu đựng nước cho các hộ dân.
Hiện trên địa bàn huyện Lâm Bình có 76 công trình nước sạch tập trung được đầu tư, toàn huyện có 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhưng mới có 47,8% hộ sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn sạch; trong đó, tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt trên 43,4%; tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình mới đạt hơn 17,2%. Đồng chí Trưởng Phòng dân tộc huyện Lâm Bình Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm, để người dân tiếp cận nguồn nước sạch, thời gian tới Phòng Dân tộc tiếp tục rà soát nhu cầu nước sạch của từng xã từ đó tham mưu cho UBND huyện bố trí các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ người dân tộc thiểu số trên địa bàn được sử dụng nguồn nước sạch từ các dự án hỗ trợ như: nước sạch tập trung, nước sạch phân tán... Ngoài hỗ trợ nước sạch phân tán, năm 2023 huyện tiếp tục được đầu tư 4 công trình nước sạch tập trung tại các xã Xuân Lập, Phúc Yên, Minh Quang. Huyện phấn đấu nâng cao tỉ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt chuẩn trong những năm tới.
Dự án hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần cải thiện vệ sinh nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng người, từng gia đình. Bên cạnh đó, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới được huyện Lâm Bình quan tâm đầu tư.
Gửi phản hồi
In bài viết