Nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế
Sở Tư pháp là một trong những đơn vị nhiều năm liền đi đầu khối các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh về chuyển đổi số. Nếu như trước đây, chưa có khái niệm về chuyển đổi số thì Sở Tư pháp đã chú trọng đến việc ứng dụng CNTT, nhất là trong cải cách hành chính.
Để có được kết quả này, theo đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp, nhiều năm trước lãnh đạo Sở đã quan tâm đến vấn đề nhân lực cho lĩnh vực CNTT cũng như việc cấp thiết phải tăng cường ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của cơ quan. Sở đã bố trí riêng 1 biên chế chuyên trách về CNTT, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở quyết liệt chỉ đạo thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ. Nhờ đó, mỗi cán bộ, nhân viên trong cơ quan đều có ý thức nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về CNTT cũng như trong chuyển đổi số.
Có thể thấy rằng, Sở Tư pháp là một trong những điểm sáng về công tác chuyển đổi số của tỉnh nhờ sự chủ động bố trí cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng thành thạo về CNTT. Tuy nhiên xét về toàn cục cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu hụt một số lượng lớn lực lượng lao động có trình độ CNTT cao.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn về CNTT tại thành phố Tuyên Quang.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về CNTT, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời. Nhân lực CNTT ở các đơn vị, địa phương thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng dẫn đến khó đảm bảo được hoạt động thông suốt của các hệ thống CNTT của nhà nước.
Kỹ năng ứng dụng CNTT của một bộ phận CBCC, nhất là ở cấp xã và kỹ năng sử dụng, khai thác thông tin trên môi trường mạng của người dân, doanh nghiệp ở một số nơi còn hạn chế. Mặt khác, các quy định về chính sách thu hút, chế độ ưu đãi, điều kiện làm việc đối với người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước chưa được cụ thể hóa.
Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số
Để khắc phục những tồn tại này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; các doanh nghiệp nhà nước hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số. Đến năm 2030, tối thiểu 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng...
Ngay khi bắt tay vào quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông xác định phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận và đảm bảo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong việc sử dụng các phương tiện thông minh để tương tác với chính quyền, hình thành tầng lớp công dân điện tử.
Cán bộ Sở Tư pháp phối hợp số hóa tài liệu.
Sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị, chương trình làm việc về chuyển đổi số; tập huấn về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho đội ngũ cán bộ bộ phận một cửa, một cửa hiện đại cấp huyện, cấp xã. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 2 đợt tập huấn với 8 hội nghị, hướng dẫn qua hình thức trực tiếp và trực tuyến cho khoảng 11.320 đại biểu là các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn.
Văn phòng UBND tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 15 hội nghị cho trên 1.800 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia vào các khâu, bước giải quyết TTHC cho người dân. Công an tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn cho gần 600 cán bộ trực tiếp làm công tác số hóa hồ sơ, công tác chuyển đổi số, dịch vụ công, số hóa hồ sơ, tài liệu và an toàn thông tin.
Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số được các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố đẩy mạnh qua nhiều hình thức. Báo Tuyên Quang, Cổng/Trang Thông tin điện tử, Đài phát thanh và Truyền hình, Trạm truyền thanh cơ sở, Fanpage trên mạng xã hội tập trung đăng tải, tin, bài, phóng sự tuyên truyền về tình hình, kết quả triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tỉnh phát động cuộc thi "Dữ liệu số với cuộc sống - Digital Data forlife" nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Qua đó từng bước thay đổi tư duy và phát huy mạnh mẽ vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực số, tạo mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Gửi phản hồi
In bài viết