Để UBND huyện Lâm Bình có cơ sở quan trong trong việc Ban hành quy chế quản lý hoạt động điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy chế này. Theo đó, các thành viên Ủy ban MTTQ huyện Lâm Bình đã tham gia nhiều ý kiến vào nội dung quy định quản lý hoạt động các điểm du lịch cộng đồng; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; trách nhiệm của UBND xã trong công tác quản lý hoạt động điểm du lịch cộng đồng...
Các đại biểu đều nhận định, đây là quy chế rất đặc trưng của huyện. Thông qua quy chế này góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển du lịch cộng đồng ở huyện. Đặc biệt, quy chế không chỉ đưa hoạt động du lịch cộng đồng có bài bản, nền nếp mà còn thúc đẩy việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn, đưa những bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện vào các hoạt động du lịch. Ý kiến của các đại biểu đã được cơ quan soạn thảo và UBND huyện tiếp thu để xây dựng và ban hành quy chế quản lý và hoạt động của điểm du lịch cộng đồng.
Hội nghị phản biện xã hội của MTTQ xã Nhân Lý (Chiêm Hóa)
Đồng chí Ma Phúc Sơn, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Bình chia sẻ: MTTQ từ huyện đến cơ sở lựa chọn nội dung theo nhu cầu của chính quyền và những vấn đề mà nhân dân, xã hội quan tâm để phản biện xã hội. Thông qua đó, có sự tham gia ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân, tham gia vào quá trình xây dựng các chủ chương, kế hoạch của chính quyền các cấp, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách.
Đối với Ủy ban MTTQ cấp xã, nếu như trước đây, hoạt động phản biện xã hội của ở một số địa phương còn lúng túng, đến nay hoạt động này đã đi vào nền nếp. MTTQ các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức phản biện xã hội vào nhiều dự thảo chương trình, kế hoạch của chính quyền.
Đồng chí Nông Văn Trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) cho biết: MTTQ xã vừa tổ chức phản biện xã hội vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của UBND xã. Các ý kiến đều thể hiện rõ tâm huyết của các đại biểu, trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng, đa chiều, cả về quy định chính sách, pháp luật hiện hành, thực tiễn địa phương và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân... Sau hội nghị, Ủy ban MTTQ xã đã khẩn trương tổng hợp thành văn bản kiến nghị gửi tới cơ quan soạn thảo dự thảo và được tiếp thu, giải trình đúng quy định.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, chỉ tính trong quý IV năm 2022, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 62 hội nghị phản biện xã hội. Để thực hiện hiệu quả hoạt động phản biện xã hội, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đều chủ động nắm thông tin các chủ trương, chính sách dự kiến được ban hành, để từ đó tiến hành lựa chọn nội dung, hình thức phản biện phù hợp. Đối với hội nghị phản biện của Ủy ban MTTQ tỉnh luôn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ các sở, ngành. Đặc biệt, phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh... qua đó, có nhiều ý kiến tham gia tâm huyết, chất lượng để cơ quan soạn thảo tiếp thu.
Mới đây Trung ương tiếp tục ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tại hội nghị giao ban công tác quý IV – 2022, đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh yêu cầu, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Chỉ thị 18-CT/TW và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của tỉnh. Qua đó để MTTQ và các đoàn thể phát huy hơn nữa vai trò chủ thể, chủ động, làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phản biện xã hội hàng năm.
Gửi phản hồi
In bài viết