Nâng cao hiệu quả công tác thông tin cơ sở

- Công tác thông tin cơ sở là nhịp cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng, hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Nhiều nhưng chưa đủ

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh hiện có 131 Đài truyền thanh cấp xã, 1.891 cụm truyền thanh tại các thôn, bản, có 88 phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên… làm công tác truyền thanh, truyền hình cấp huyện. Hệ thống các Đài truyền thanh đã đa dạng các hình thức thông tin tuyên truyền góp phần tích cực phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đến người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Đài Truyền thanh xã Văn Phú (Sơn Dương) thực hiện chương trình truyền thanh.

Tháng 10/2024, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Chiêm Hóa vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động thông tin cơ sở năm 2023. Đồng chí Hà Thị Thảo, Giám đốc Trung tâm cho biết: thời gian qua, Trung tâm đã bám sát định hướng tuyên truyền, có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Kết quả, năm 2023, Trung tâm đã thực hiện được 365 giờ phát sóng chương trình địa phương với tần suất 1 giờ/ ngày, trong đó có 52 giờ phát sóng chương trình tiếng dân tộc; 17.840 giờ tiếp âm và tiếp sóng Trung ương; phát sóng 3.853 tin, bài, phóng sự của Đài huyện. Tại cổng thông tin điện tử của huyện đã thực hiện được 48 chương trình điểm tin tuần dưới dạng video clip; đăng tải 952 tin, bài, ảnh; 178 văn bản. Lượt truy cập năm 2023 đạt 1.321.581 người truy cập. Fanpage của Trung tâm có trên 18.000 lượt người theo dõi.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động thông tin cơ sở trong những tình huống đột xuất cũng còn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Bà Nguyễn Thị Duyên (TP Tuyên Quang) cho biết, trận lụt lịch sử vừa qua, nhà bà bị ngập sâu 1,5 m, điện, nước đều bị cắt, di động không sạc pin được nên bà không cập nhật được bất kỳ thông tin nào từ mạng xã hội và các trang thông tin điện tử. Bà mong muốn, trong tình huống ấy, vai trò của thông tin lưu động là đặc biệt cần thiết. Cùng với việc tiếp tế nhu yếu phẩm cho Nhân dân, chỉ cần 1 chiếc loa tay vang vang thông tin cho bà con biết hiện nay mức nước đang là bao nhiêu, đang lên hay xuống, nếu phát huy tốt việc làm đó sẽ khẳng định rất sắc nét vai trò, hiệu quả của thông tin lưu động, thể hiện sự đa dạng, linh hoạt của các phương thức thông tin, tuyên truyền.

Thực tế trên cho thấy cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền phòng, chống giảm nhẹ thiên tai nói riêng, công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở nói chung, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong Nhân dân.

Nâng cao chất lượng công tác chuyên môn

Vinh dự là cá nhân duy nhất của tỉnh được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động thông tin cơ sở năm 2023, chị Âu Thị Thu Hà, công chức văn hóa - xã hội kiêm cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Văn Phú (Sơn Dương) phấn khởi chia sẻ: các chương trình phát thanh ở cơ sở rất đa dạng, ngoài tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh, huyện, xã, Đài tập trung tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện, của xã.

Đặc biệt xã chú trọng tập trung vào tuyến tin, bài tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền kịp thời các văn bản điều hành của UBND xã, các gương tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn xã. Trung bình, thời lượng phát sóng các chương trình từ 12-15 phút/1 chương trình; số lượng phát sóng từ 12-16 chương trình/1 tháng. Trang thông tin điện tử của xã trung bình đăng tải từ 4-6 tin, bài/1 tháng.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin cơ sở, tháng 10/2024, UBND thành phố Tuyên Quang đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức văn hóa - xã hội, cán bộ phụ trách trạm truyền thanh các xã, phường; viên chức Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao thành phố về kỹ năng sản xuất chương trình, xây dựng bản tin truyền thanh; kỹ năng tổ chức tuyên truyền, cổ động, tuyên truyền miệng, cách biên tập và đăng tải tin, bài lên cổng thông tin điện tử xã, phường…

Thông tin cơ sở là kênh thông tin thiết yếu, có lợi thế ở cơ sở như: gần dân, sát dân, tuyên truyền hiệu quả đến từng người dân, vì vậy việc bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ là đặc biệt cần thiết trong việc tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng, tạo động lực để cả hệ thống chính trị quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.         

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục