Dây chuyền đóng bao xi-măng tại Nhà máy Vicem Hoàng Thạch.
Xuất khẩu tăng mạnh
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng sản phẩm tiêu thụ xi-măng quý I đạt 21,6 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 13,48 triệu tấn, tương đương cùng kỳ; xuất khẩu xi-măng đạt 3,59 triệu tấn, tăng 9,5%; xuất khẩu clanh-ke đạt 4,53 triệu tấn, tăng 7,3% so cùng kỳ. Lượng xi-măng tồn kho cả nước khoảng 4,6 triệu tấn, tương đương từ 20 đến 25 ngày sản xuất, chủ yếu là clanh-ke. Ðồng thời, giá bán xi-măng trong nước ổn định.
Tính đến thời điểm này, ngành xi-măng Việt Nam có 90 dây chuyền sản xuất, với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm, nhưng thực tế sản lượng có thể lên đến 122 triệu tấn/năm. Trong khi đó, lượng tiêu thụ trong nước năm 2020 đạt khoảng gần 63 triệu tấn, do đó, sức ép cạnh tranh về tiêu thụ vẫn còn rất lớn. Chính vì vậy, cùng với việc giữ vững thị phần trong nước, các doanh nghiệp sản xuất xi-măng đã và đang tích cực mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Theo Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, mặc dù nhiều nước trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu xi-măng của Việt Nam ba tháng đầu năm tiếp tục tăng là dấu hiệu đáng mừng, góp phần cân bằng trong sản xuất, tiêu thụ. Tuy nhiên, giá xuất khẩu xi-măng đang có xu hướng giảm, cần tính toán kỹ hơn về tính hiệu quả trong xuất khẩu. Trong quý I, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm xi-măng đạt gần 300 triệu USD, tăng khoảng 14% so cùng kỳ, nhưng giá bình quân xuất khẩu giảm xuống 36,4 USD/tấn (năm 2020 hơn 39 USD/tấn). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xi-măng và clanh-ke lớn nhất của Việt Nam với sản lượng hơn 2,4 triệu tấn, kim ngạch gần 80 triệu USD, tăng 35,7% về lượng nhưng chỉ tăng 23% về giá trị.
Hiện nay, chi phí các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi-măng như: than, điện, xăng dầu, thạch cao, vỏ bao... ngày càng tăng đã tác động trực tiếp đến giá bán xi-măng nói chung. Nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng giá bán từ 30 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/tấn đối với các sản phẩm xi-măng đóng bao và xi-măng rời. Ðiều này cũng tác động không nhỏ đến tình hình tiêu thụ xi-măng nội địa cũng như tính hiệu quả trong xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự căn chỉnh, tính toán nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong kế hoạch kinh doanh của năm nay và các năm tiếp theo.
Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Theo đánh giá của Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, ngành xi-măng còn rất nhiều vướng mắc cần giải quyết. Thị trường trong nước bị chững lại, trong khi nhu cầu thị trường vẫn tăng. Xuất khẩu tăng nhưng không bền vững, hiệu quả giảm sút. Các khó khăn về thị trường tập trung nhiều ở các dây chuyền công suất nhỏ, dưới một triệu tấn/năm, chi phí logistics tác động không nhỏ đến khả năng chiếm lĩnh thị trường của các đơn vị. Vấn đề sử dụng rác thải, phế thải, phế thải công nghiệp thay thế một phần nhiên liệu gặp nhiều khó khăn, không có đủ điều kiện cần thiết để triển khai. Xây dựng hệ thống phát điện nhiệt thừa từ lò nung phát triển chậm, hiện mới có 16 dây chuyền triển khai. Nhiều trạm nghiền xi-măng đầu tư vượt công suất cho phép. Các cơ sở khai thác đá chủ yếu công nghệ không tiên tiến, phương pháp không hợp lý, ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên. Việc đầu tư đổi mới công nghệ diễn ra chậm, chi phí sản xuất cao, giá thành sức cạnh tranh chưa cao, năng suất lao động thấp. Sự gắn kết, hiệp đồng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa tốt, giảm sức cạnh tranh của thị trường... Ðây là những vấn đề chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng cần có các giải pháp cụ thể, lâu dài nếu muốn phát triển bền vững ngành xi-măng.
Năm 2021 tiếp tục là năm đầy thử thách đối với các doanh nghiệp xi-măng, nhất là đối với các thương hiệu mới, đơn vị mới đi vào sản xuất. Dự báo, từ quý II, thị trường xi-măng tiếp tục ổn định, phát triển, nhất là khi dịch Covid-19 tại Việt Nam được ngăn chặn hiệu quả. Cùng với đó, việc tái khởi động lại các dự án bất động sản, hạ tầng và đà phục hồi chung của nền kinh tế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm xi-măng được kỳ vọng sẽ tăng. Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết của Ðảng, Quốc hội sẽ là cơ sở quan trọng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành xây dựng nói chung và ngành xi-măng nói riêng.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (Vicem) Lê Nam Khánh cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm nay, Vicem tập trung một số giải pháp trọng tâm. Trước hết là tiếp tục tối ưu hóa, nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, tiết kiệm tài nguyên, giảm đến mức thấp nhất những tác động đến môi trường. Xúc tiến đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện, tập trung thực hiện các thủ tục xin phê duyệt trữ lượng, cấp phép, nâng cao công suất khai thác mỏ nguyên liệu của các đơn vị thành viên. Ðồng thời, hoàn thiện hệ thống tiêu thụ nhằm phát huy hết năng lực sản xuất của các nhà máy, tối ưu hóa hoạt động logistics, lợi thế về thương hiệu, tăng thị phần của Vicem; mở rộng thêm thị trường xuất khẩu tại Mỹ, khu vực Nam Mỹ, Ðông Phi. Tập trung tái cơ cấu, cổ phần hóa Vicem, tiếp tục triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo lợi thế cạnh tranh cho Vicem...
Gửi phản hồi
In bài viết