Nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng xuất khẩu sản phẩm OCOP

Cuối tháng 10/2024, lần đầu Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức “Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu-VIETNAM OCOPEX”, mở ra chặng đường mới cho các sản phẩm OCOP Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế. Sau hơn 6 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần quan trọng khẳng định và nâng tầm giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Cắt băng khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu (VIETNAM OCOPEX).

Cắt băng khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu (VIETNAM OCOPEX).

Cả nước hiện có hơn 14.000 sản phẩm OCOP của gần 8.000 chủ thể. Sản phẩm OCOP từng bước tiếp cận thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng miền để phát triển kinh tế nông thôn; trong đó có một số sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Mới đây nhất, trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, chuối sấy dẻo, trà túi lọc đậu đen xanh lòng, siro chanh và siro tắc là các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Anh. Đây đều là sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và Công ty cổ phần R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường Anh. Trước đó, sản phẩm OCOP như cà-phê, tổ yến, chuối… của một số địa phương cũng đã “xuất ngoại” sang các thị trường khu vực châu Âu, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, tính chung trên cả nước hiện nay, số lượng và sản lượng sản phẩm OCOP xuất khẩu còn rất ít, chủ yếu vẫn tiêu thụ tại địa phương hoặc các vùng lân cận. Nguyên nhân là do hầu hết quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đều nhỏ lẻ, manh mún trong khi muốn xuất khẩu thì trước hết phải có vùng trồng tập trung, bảo đảm được nguồn cung đồng đều, ổn định. Thực tế, đã có những sản phẩm OCOP ngoài định hướng phát triển đạt chuẩn 5 sao thì còn hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, song do sản phẩm vẫn mang tính mùa vụ cho nên khó bảo đảm được lượng hàng hóa lớn xuất bán quanh năm, ảnh hưởng việc tuân thủ điều kiện của các đơn hàng xuất khẩu.

Mặt khác, các thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong những năm gần đây đều thường xuyên, liên tục thay đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi sự chuẩn hóa từ vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất đến thu hoạch, chế biến để thực hiện truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch. Trong khi đó, hầu hết cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đều chưa đủ năng lực sản xuất, tiềm lực tài chính, kiến thức thương mại để đáp ứng các yêu cầu này.

Chính vì vậy, để mở cánh cửa xuất khẩu cho sản phẩm OCOP thì cần nâng cao năng lực sản xuất, thương mại cho các chủ thể OCOP: Hình thành các vùng sản xuất tập trung để giải quyết bài toán sản lượng; có chính sách tín dụng hỗ trợ vốn vay ưu đãi dành riêng cho việc mở rộng phát triển các sản phẩm OCOP; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, kiểm dịch động thực vật… của các thị trường xuất khẩu tiềm năng; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm hàng hóa để trải nghiệm, tìm hiểu, học hỏi cách làm của các đơn vị, địa phương, các quốc gia khác; đồng thời tiếp nhận thông tin, yêu cầu của thị trường để linh hoạt, sáng tạo trong sản xuất, chế biến cũng như thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm phù hợp từng đối tượng khách hàng và nhu cầu riêng biệt của từng thị trường.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục