Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Sáng 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Sửa đổi Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp bách
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật Đấu thầu năm 2013 và các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã phát sinh vướng mắc, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu…
Việc sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu. Đồng thời, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 7/11. (Ảnh: DUY LINH)
Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó 3 Hiệp định có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công. Do đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp bách để bảo đảm thực thi đầy đủ và có hiệu quả cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường mua sắm công theo các Hiệp định nêu trên.
Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định thời gian, trình tự, thủ tục trong hoạt động đấu thầu nhằm đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm và rút ngắn thời gian tổ chức đấu thầu theo hướng: cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian; cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu (như lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu); cho phép đấu thầu các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 1 năm hoặc cần yêu cầu nhà thầu cam kết cung cấp dịch vụ trong thời gian dài…
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ưu tiên, ưu đãi cho các sản phẩm thân thiện môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, và phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Cần cụ thể hóa nội dung lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt
Báo cáo tóm tắt kết quả thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết Ủy ban Tài Chính, Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành.
Luật Đấu thầu có liên quan đến rất nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước…), do vậy Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật và thống nhất với các luật khác có liên quan.
Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng “phải đấu thầu” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. (Ảnh: DUY LINH)
Đối với việc đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật với “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng”, cần rà soát kỹ tránh khoảng trống pháp lý trong việc quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp khác không thuộc Doanh nghiệp Nhà nước theo Luật số 69/2014/QH13.
Dự thảo Luật quy định 9 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu. Về nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, các hành vi bị cấm chủ yếu quy định đối với nhà thầu; các hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, người có ảnh hưởng ít được quy định. Do đó, đề nghị rà soát các hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng: nhóm hành vi cấm chung; nhóm hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư; nhóm hành vi cấm đối với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu; nhóm hành vi cấm đối với nhà thầu.
Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc bổ sung vào dự thảo Luật để quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định trong dự thảo Luật cụ thể về trường hợp đặc biệt, đặc thù; đồng thời, quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, yêu cầu đối với gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đặc thù và trường hợp cấp bách, khẩn cấp.
Gửi phản hồi
In bài viết