Thời gian gần đây lực lượng quản lý thị trường trong nước, đã phát hiện nhiều vụ các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Điển hình như ngày 30/3 tổ công tác 368, Tổng cục Quản lý thị trường đã phát hiện thu giữ hàng vạn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, sau khi kiểm tra kho hàng tiêu dùng tại xã Phú Sơn, (Ba Vì - Hà Nội) do Nguyễn Văn Ngọc làm chủ kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng nói trên. Ngày 31/3, Cục quản lý thị trường Ninh Bình phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra đột xuất kho chứa hàng giả, hàng nhái có diện tích khoảng 1000 m2 của đối tượng Trần Văn Bản ở huyện, Gia Viễn, Ninh Bình, với một khối lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, mỹ phẩm... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu... Điều đáng nói là các cơ sở này đều sử dụng nền tảng số để bán hàng trên mạng xã hội và có hàng trăm ngàn đơn hàng được chốt bán với người mua ở khắp mọi miền đất nước thông qua các dịch vụ vận chuyển.
Có thể thấy rằng, vấn đề hàng giả luôn là sự nhức nhối trong thị trường từ trước đến nay, mọi loại hàng hóa đều có thể bị làm giả. Nhiều loại hàng giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thuốc giả, thực phẩm giả...
Tình trạng gia tăng của các loại hàng giả đòi hỏi các ngành chức năng và người tiêu dùng phải khẩn trương, quyết liệt hơn trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả. Bên cạnh các biện pháp quản lý của các cơ quan nhà nước, cần phải nâng cao ý thức của người tiêu dùng, không để việc sử dụng hàng giả trở thành thói quen dẫn đến không có ý thức đấu tranh để loại bỏ hàng giả, thậm chí chấp nhận dùng hàng giả thay cho hàng thật... và thói quen tiêu dùng của mỗi người là có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả vì có cầu mới có cung.
Gửi phản hồi
In bài viết