TP Turin của Italia đang đối mặt đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua. (Ảnh: Reuters)
Tại Tây Ban Nha, chính quyền địa phương cho biết cháy rừng tại tỉnh tây bắc Zamora đã cướp đi sinh mạng của một người 69 tuổi. Ngày 17/7 vừa qua, một lính cứu hỏa cũng thiệt mạng tại đây. Trong ngày 18/7, một nhân viên văn phòng khoảng 50 tuổi được báo cáo đã tử vong do sốc nhiệt tại thành phố Madrid.
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế nước này cho thấy 510 người đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến thời tiết nắng nóng trong tuần đầu tiên (từ ngày 10 - 16/7) của đợt nắng nóng. Ngày 16/7 là ngày có nhiều người tử vong nhất với 150 nạn nhân. Đây là đợt nắng nóng thứ hai của Tây Ban Nha trong mùa hè. Đợt trước đó từ ngày 11-17/6 khiến 829 người tử vong.
Theo cơ quan chức năng, khoảng 20 vụ cháy rừng vẫn đang hoành hành từ khu vực phía nam đến vùng Galicia ở cực tây bắc của Tây Ban Nha. Ít nhất 4.500 hécta rừng đã bị thiêu rụi do “giặc lửa”.
Tại Bồ Đào Nha, gần như toàn bộ lãnh thổ nước này được cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao dù nhiệt độ đã giảm nhẹ so với mức nhiệt cao kỷ lục 47 độ C được ghi nhận trong tháng 7 này. Đến nay, cháy rừng đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương, thiêu rụi khoảng 12.000-15.000 hécta rừng.
Tại CH Ireland, nhiệt độ ở thủ đô Dublin đã tăng lên 33 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1887. Trong khi đó tại Hà Lan, nhiệt độ ở thành phố miền nam Westdorpe là 35,4 độ C, tuy chưa phải là mức cao kỷ lục, song dự kiến sẽ tăng cao hơn trong ngày 19/7. Tại nước láng giềng Bỉ, nhiệt độ được dự báo vượt ngưỡng 40 độ C.
Tại Anh, khu vực Suffolk, miền đông England ghi nhận mức nhiệt 38,1 độ C trong ngày 18/7, theo đó đây là ngày nóng nhất từ đầu năm đến nay và là ngày nắng nóng khắc nghiệt thứ 3 trong lịch sử. Các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ có thể lần đầu tiên lên đến 40 độ C vào ngày 19/7, vượt mức nhiệt cao kỷ lục 38,7 độ C hiện nay tại Anh.
Lo ngại các nguy cơ từ nắng nóng, nhiều công ty đường sắt đã ngừng cung cấp dịch vụ, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, ngừng các hoạt động ngoài trời, không hạ nhiệt bằng cách tắm ở các hồ nước công cộng… Một số trường học đóng cửa, trong khi những trường có cho học sinh đến lớp dự kiến sẽ để học sinh tan trường muộn hơn, tránh những lúc nắng nóng nhất.
Theo kênh truyền hình Sky News, căn cứ Brize Norton của Không quân Hoàng gia Anh ở hạt Oxfordshire đã phải cho dừng các chuyến bay tại đây do thời tiết nắng nóng làm chảy đường băng. Sân bay dân sự Luton ở ngoại ô thủ đô London cũng phải cho dừng một số chuyến bay do bề mặt đường băng bị ảnh hưởng do nắng nóng gay gắt.
Ở bên kia eo biển Manche, hàng loạt thị trấn và thành phố của Pháp ngày 18/7 báo cáo mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, thành phố cảng Brest trên bờ biển Brittany, cực tây bắc nước Pháp, chứng kiến nhiệt độ tăng lên mức 39,3 độ C, phá vỡ mức nhiệt cao kỷ lục 35,1 độ C ghi nhận năm 2002. Thành phố Saint-Brieuc ghi nhận nhiệt độ 39,5 độ C, vượt mức nhiệt cao kỷ lục 38,1 độ C trước đó và thành phố Nantes với 42 độ C, vượt mức nhiệt cao nhất 40,3 độ C được ghi nhận năm 1949.
Lực lượng cứu hỏa Pháp vẫn đang chật vật khống chế các đám cháy rừng dữ dội gây thiệt hại trên diện rộng. Khu rừng trải dài 9 km và rộng 8 km gần Dune de Pilat của Pháp, cồn cát cao nhất châu Âu, vẫn đang chìm trong biển lửa.
Trong ngày 18/7, tổng cộng 8.000 người đã phải sơ tán để đề phòng gió thổi các đám khói dày đặc vào khu dân cư. Khoảng 32.000 du khách hoặc cư dân đi cắm trại buộc phải rời đi hoặc sơ tán đến các điểm lánh nạn khẩn cấp. Đám cháy cũng biến cảnh quan tươi đẹp, các điểm cắm trại nổi tiếng và bãi biển hoang sơ tại đây thành đống hoang tàn. Cơ quan cứu hỏa địa phương cho biết nhiều cây thông 40 năm tuổi cũng bị thiêu rụi. Trong khi đó, 2 đám cháy tại thành phố tây nam Bordeaux đã thiêu rụi gần 17.000 hécta rừng.
Riêng khu vực tây nam châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng thứ hai trong những tuần gần đây. Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu khiến cho các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn, với mức độ trầm trọng hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết