Du khách nghỉ tại bờ biển ở Landes (Pháp) ngày 18-7. Vụ cháy rừng ở tỉnh này khiến bầu trời đen kịt - Ảnh: AFP
Trong khi đó, hàng ngàn lính cứu hỏa phải làm việc ngày đêm để ngăn hỏa hoạn tàn phá các khu rừng và di tích lịch sử.
Phá kỷ lục khắp nơi
Theo Đài France24, ngày 18-7 Pháp ở trong tình trạng báo động cao về nắng nóng. Dịch vụ thời tiết Pháp đã mở rộng phạm vi báo động đỏ về nắng nóng đến 15 địa phương cùng cảnh báo các kỷ lục về nhiệt độ sẽ bị phá vỡ.
Trong ngày 18 và 19-7, nhiều nơi ở Anh có thể nóng trên 40oC - mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi cơ quan thời tiết bắt đầu lưu trữ dữ liệu. Dịch vụ thời tiết Vương quốc Anh lần đầu tiên ra cảnh báo đỏ khuyến cáo mức nhiệt này rất nguy hiểm với người có bệnh mãn tính lẫn người khỏe mạnh.
Tại Bồ Đào Nha, trong tuần qua khi nhiệt độ lên đến 46,3oC, chính quyền đã công bố báo động đỏ ở 16 quận có nguy cơ cao xảy ra hỏa hoạn.
Tại Ý, trong nhiều tháng qua sông Po, sông dài nhất ở Ý, rơi xuống mực nước thấp kỷ lục. Ở khu vực Piedmont, miền bắc Ý, hơn 170 làng xã đã hoặc sẽ ban hành các quy định về sử dụng nước, cụ thể là cấm sử dụng nước ngoài các mục đích liên quan đến thực phẩm, sinh hoạt và sức khỏe.
Bất cứ ai dùng nước để tưới vườn, rửa sân, rửa xe có thể bị phạt tới 500 euro. Ý đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hầu khắp khu vực phía bắc đất nước.
Ngoài ra, trong điều kiện khô nóng, cháy rừng đã bùng phát ở Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha trên diện tích hàng nghìn hecta.
Sống sao với nắng nóng?
Tây Ban Nha đã ghi nhận ít nhất 360 trường hợp tử vong có liên quan đến nắng nóng trong thời gian từ ngày 10 đến 15-7. Bồ Đào Nha đã có 659 trường hợp tử vong do nắng nóng từ ngày 7 đến 13-7.
Một bài viết đăng trên website của Đại học Columbia (Mỹ) ngày 14-7 chỉ ra con người dường như thường đánh giá thấp sự nguy hiểm của nắng nóng cực đoan, trong khi nó giết nhiều người hơn so với bão lũ.
Theo đó, ở ngoài trời nắng nóng trong thời gian dài, cơ chế tiết mồ hôi để hạ nhiệt của cơ thể bị lỗi khiến chúng ta bị tăng thân nhiệt. Nếu không được hạ nhiệt hoặc cấp cứu kịp thời, chúng ta có thể bị tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.
Nắng nóng cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe khác, góp phần dẫn đến các ca tử vong do đau tim, đột quỵ... Nhiệt độ cao làm ô nhiễm không khí trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến những người có vấn đề về hô hấp.
Để sống sót qua các đợt nắng nóng, ngành y tế các nước khuyến cáo người dân uống nhiều nước, hạn chế ra ngoài trời để tránh sốc nhiệt và quan tâm đến những người sống một mình, cần giúp đỡ xung quanh.
Cảnh báo cho tương lai
Theo báo Politico, đợt nắng nóng khốc liệt ở tây nam châu Âu tuần qua xuất phát từ một vùng áp cao di chuyển chậm đã đưa không khí nóng từ Bắc Phi đến châu Âu.
Tuy nhiên, sống sót qua một đợt nắng nóng chỉ là chuyện trước mắt. Các chuyên gia chỉ ra sự thật không thể né tránh là các đợt nắng nóng cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn và khốc liệt hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đó, nắng nóng khốc liệt có thể cứ 3 đến 4 năm lại xảy ra một lần hoặc thưa hơn, 10-15 năm một lần sẽ tùy vào hành động của chúng ta trong nỗ lực giảm phát thải carbon.
Đợt nắng nóng hiện nay ở châu Âu là lời nhắc nhở quan trọng rằng điều tốt nhất chúng ta có thể làm để hạn chế nắng nóng cực đoan là hành động không chậm trễ để đối phó với khủng hoảng do biến đổi khí hậu.
Chính phủ cần đảm bảo cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững để cung cấp năng lượng cho các thiết bị làm mát, nhưng cũng phải đạt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết